Nhịn đói để gây vốn
Hơn 10 năm trước, khi con đường lớn về với Chiềng Bôm còn gập gềnh, khúc khuỷu; nhiều vạt rừng chỉ lơ thơ cây cỏ dại thì lão nông Thào Giống Sềnh đã nảy sinh ý chí làm giàu trên chính vùng đất khô cằn đó. Ông mạnh dạn nhận hàng chục ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng để trồng rừng và làm kinh tế trang trại.
Ông Sềnh nuôi hàng chục con trâu, bò sinh sản. Ảnh: Kiều Thiện.
“Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, miếng ăn còn bữa đói, bữa no. Nhiều hôm đi trồng rừng mà phải nhịn đói. Nhưng tôi nghĩ có ngày nhịn là để có ngày no ấm nên luôn cố gắng hết sức…” – ông Sềnh kể.
Do lúc ấy chưa có vốn nên ông Sềnh chỉ biết nhận cây thông giống từ nhà nước hỗ trợ để trồng rừng. Sau một thời gian, ông nhận thấy quả sơn tra có thể làm hàng hóa mà lại không mất vốn đầu tư bởi có thể xin dân bản được giống.
Thế là vừa phát triển cây ngô, cây lúa để lấy cái ăn, ông Sềnh vừa đầu tư trồng cây sơn tra. Đến giờ ông đã có gần 10 ha sơn tra, trong đó có hơn 2 ha đã cho bán quả. Ông cũng trồng vài ha cây thông hợp với khí hậu vùng này nên phát triển nhanh.
“Cũng chính nhờ trồng rừng, cần có sức cày kéo, chuyên chở nên tôi đã nghĩ tới chuyện phải phát triển chăn nuôi trâu, bò. Từ 2 con bò và 1 con trâu đầu tiên, hơn 10 năm qua, dù đã bán đi 6-7 con nhưng tôi vẫn còn tới 14 con bò và 3 con trâu nái đấy. Đất rộng, có nhiều, tôi còn nuôi thêm đàn dê hàng chục con, hàng trăm con gà, vịt và nhiều lợn bản. Cuộc sống khá lên nhiều rồi. Nếu còn khỏe thì tôi sẽ mua ô tô để làm dịch vụ hàng hóa đấy”, ông Sềnh lạc quan.
“Còn sức… còn phải vươn lên”
Với người dưới xuôi lên, nghe chuyện ông Sềnh thì cho ông là “dị nhân, dị tướng”, nhưng người Mông ở Chiềng Bôm coi ông Sềnh là một điển hình về làm ăn giỏi đáng để họ học tập. Ông Thào Giống Khúa, dân bản Hua Ty A, bảo: “Cùng tuổi với nhau nhưng ông Sềnh có cuộc sống khá hơn chúng tôi rất nhiều bởi ông ấy biết cách làm ăn, biết tiết kiệm chi tiêu. Chính tôi và nhiều người khác ở vùng này phải sang học cách làm của ông ấy…”.
Ông Sềnh bên vườn quả sơn tra hơn 10 năm tuổi. Ảnh: Kiều Thiện.
Tuy có cuộc sống ngày một khá hơn, nguồn thu nhập tăng lên hàng năm nhưng ông Sềnh vẫn lăn lộn với nương, với rừng.
“Ngày trước còn khỏe, mỗi ngày tôi đào hố trồng tới cả trăm cây thông, cây táo sơn tra. Bây giờ có tuổi rồi, mỗi ngày tôi chỉ trồng chừng 30-40 gốc; còn để sức chăm sóc đàn gia súc, gia cầm và học cách khai thác nhựa thông. Hiện 10 ha thông của tôi đã đến kỳ cho khai thác gỗ và nhựa. Tôi phấn đấu trong 3 năm tới phải có khoảng 20 ha táo sơn tra được trồng mới, vừa để lại rừng, vừa để lại nguồn thu lớn cho con cháu mình chứ”.
Theo Kiều Thiện/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã