Đồng trũng “đơm hoa”
Những thành viên của HTX ban đầu mỗi người một ngành, một nghề. Người làm bún, người làm thợ hàn, người sản xuất chăn, ga, gối, đệm hay vật liệu xây dựng... Họ gặp nhau và có chung ý tưởng thành lập Tổ chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (tiền thân của HTX Hoàng Long hôm nay). Khi đó, lại đúng lúc địa phương triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, họ đã tranh thủ gom ruộng về cùng một chỗ và thuê thêm diện tích để có 1,8ha đất làm trang trại. Dù thống nhất cao về cách làm nhưng vẫn còn không ít băn khoăn vì không ai hiểu biết gì về chăn nuôi. “Tôi giải thích với mọi người: Nếu chưa biết thì ta đi học; nghề chăn nuôi cũng đâu quá khó! Một người đi học thú y, một người đi học chăn nuôi, còn tôi đi học quản lý ở Viện Đại học Mở Hà Nội. Chúng tôi quyết tâm cắp sách đi học 4-5 năm dù đều đã ở tuổi ngoại tứ tuần” - ông Nguyễn Trọng Long trải lòng.
Một góc trang trại chăn nuôi của HTX Hoàng Long.
Số tiền 5,4 tỷ đồng các thành viên đóng góp là khá lớn, nhưng đổ vào làm trang trại thì không thấm vào đâu nên ông Long cùng các thành viên phải thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng. Họ cũng tự bỏ tiền ra làm đường nội đồng từ làng ra trang trại dài hơn 1km để vận chuyển cám và con giống. Tháng 7-2008, trang trại chăn nuôi chính thức đi vào hoạt động. “Chúng tôi đã nhập 156 con lợn nái ở Viện Chăn nuôi; đó là những con giống đã được kiểm định về chất lượng. Chuồng trại xây dựng đến đâu đưa vào chăn nuôi đến đấy và lợi nhuận cũng vậy, được đồng nào “đổ” cả vào tái đầu tư”.
Quãng thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi, Tổ hợp sản xuất của ông Long gặp vô vàn khó khăn; sóng gió nhất là từ tháng 4-2011 đến giữa năm 2014. Lợn ế không bán được và giá lợn thịt thì rớt thê thảm, trong khi đó giá cám lại liên tục tăng. Thông thường, lợn 100kg/con là xuất chuồng nhưng có khi đến lứa nhưng không bán được phải nuôi đến 140kg/con. Suốt quãng thời gian này, trang trại chỉ hòa và lỗ vốn chứ không có lãi. “Lúc này, chúng tôi đã phát triển lên 300 lợn nái và gần 3.000 lợn thịt. Không như các ngành khác, khó khăn quá thì tạm dừng sản xuất, đối với trang trại, lợn nái đẻ ra bao nhiêu con thì phải nuôi bấy nhiêu, không dừng được”. Rồi những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm, mùa đông lợn bị gió lùa, ốm cả đàn, sau tôi phải làm chuồng kín, điều tiết nhiệt độ phù hợp".
Bây giờ, Tổ hợp chăn nuôi Hoàng Long đã được “nâng cấp” lên thành HTX, 5 thành viên ban đầu giờ đã phát triển thành 10, quy mô cũng được mở rộng hơn nhiều so với ngày mới thành lập. Nhờ mô hình này mà cánh đồng trũng Thanh Mai, thôn Tri Lễ 1, xã Tân Ước ngày nào cấy cày không hiệu quả giờ đã “đơm hoa”. Trên diện tích hơn 22.000m2, có hơn 9.000m2 được xây dựng chuồng trại. Các dãy chuồng nuôi được xây 1-2-3 tầng để tiết kiệm tối đa diện tích chăn nuôi, với đầy đủ hệ thống làm ấm về mùa đông và làm mát mùa hè. Lợn ở đây được nuôi theo quy trình chăn nuôi sinh học, trong các chuồng đều đã có hệ thống xử lý mùi hôi. Chẳng vậy mà có cả vài nghìn con lợn nhưng khu vực chăn nuôi vẫn sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi. Năm 2016, HTX Hoàng Long đã có 450 con lợn nái sinh sản, 8 lợn đực, dự kiến sẽ đưa ra thị trường từ 800 đến 1.000 tấn lợn hơi và từ 1.500 con giống các loại, đạt doanh thu khoảng 45 tỷ đồng, trong đó lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Tiếp tục tìm đầu ra...
Đón đầu xu hướng sản xuất thực phẩm an toàn, các thành viên HTX đã xác định rõ mục tiêu sản xuất ra thực phẩm sạch với phương châm lấy lợi ích của người tiêu dùng là lợi ích của chính mình. Và để sản xuất thực phẩm sạch, vật nuôi phải được ở sạch, ăn sạch và uống sạch. Từ năm 2011, Chủ nhiệm HTX Hoàng Long, ông Nguyễn Trọng Long đã nghiên cứu, thử nhiệm thành công cám ủ sinh học dùng làm thức ăn chăn nuôi từ ngô, đậu tương, sắn, cám gạo... lên men. Vừa tận dụng được nguyên liệu tại địa phương, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho xã viên, đặc biệt là đã tạo ra được sản phẩm thịt lợn sạch an toàn.
Trải qua hơn 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, đến giữa năm 2014, số lợn nuôi bằng thức ăn sinh học đã tăng lên 500 con/lứa. Thông thường nếu chăn nuôi công nghiệp thì chỉ 5 tháng lợn sẽ đạt trọng lượng 100kg/con và xuất chuồng nhưng HTX chăn nuôi bằng công nghệ sinh học nên phải 6,5 đến 7 tháng lợn mới xuất được. Tuy vậy, bù lại chất lượng thịt thơm ngon hơn và bán được giá cao hơn. Được thị trường chấp thuận, năm 2016, HTX đã chuyển 80% lợn thương phẩm sang chăn nuôi bằng cám ủ sinh học và dự kiến sẽ áp dụng chăn nuôi 100% bằng cám ủ sinh học trong năm 2017.
Phân tích xu hướng tiêu dùng, ông Nguyễn Trọng Long cho rằng mặc dù nguồn thực phẩm đang dư thừa nhưng hiện nay vẫn thiếu thực phẩm sạch, an toàn. Thế mạnh của HTX là chăn nuôi sạch. Lại là quê hương của nghề giò chả Ước Lễ nên cơ sở tiếp tục đầu tư khu nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm công suất 50 con lợn/ngày (khoảng 5-6 tấn) giò, chả, nem các loại. Hiện các bước chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mang thương hiệu Hoàng Long dự kiến sẽ có mặt trên thị trường Thủ đô trong tháng 11 tới. Từ đây sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn và mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực đông dân cư trong thành phố.
Chủ tịch UBND xã Tân Ước Vũ Minh Sơn cho biết, HTX Hoàng Long đang tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đóng góp xây dựng các quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Đặc biệt, cá nhân ông Long đã giúp được 15 hội viên nông dân thoát nghèo, dạy nghề cho 35 lao động, giúp đỡ, tư vấn, lập quy hoạch, thiết kế miễn phí cho một số hộ làm trang trại. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện, ông chỉ cười và bảo, thành công của mình cũng là thành công của tất cả thành viên trong HTX.
Ông Nguyễn Trọng Long là hội viên Hội Nông dân xã Tân Uớc, Chủ nhiệm HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ông đã được UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2010; Bằng khen trong phong trào thi đua sản xuất nông dân giỏi giai đoạn 2007-2009, giai đoạn 2009-2011; danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu thành phố các năm 2012, 2015 và là một trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016”.
Theo Hà Nội mới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã