Thời gian qua, ngành nông nghiệp TPHCM đã ban hành chính sách, chương trình, đề án và kế hoạch cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN gặp rất nhiều khó khăn, do vậy Sở NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị với chủ đề khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhằm phổ biến chính sách và lắng nghe, giải quyết kiến nghị của DN, hợp tác xã (HTX).
Đụng đâu cũng vướng
Bà Hà Thị Mộng Ngọc, HTX Nông sản Nấm Việt, cho biết hiện đơn vị đang muốn mở rộng công nghệ chế biến nấm sau thu hoạch, làm nước mắm, bột nêm, nước tương… để không lãng phí nấm khi ra sản lượng rất nhiều vào mùa mưa, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. HTX đang có nhu cầu mở rộng nên cần vốn, nếu đã đầu tư rồi thì có được áp dụng Nghị định 57/2018 của Chính phủ và Quyết định 655/2018 của UBND TPHCM không, hay phải dự án mới hoàn toàn? Ngoài ra, ngân hàng không chấp nhận thế chấp bằng thiết bị, máy móc mà yêu cầu giấy chủ quyền nhà đất. HTX có khả năng mở thêm nhiều sản phẩm mới, nhưng chi phí test mẫu 2 triệu đồng/tháng đã trở thành rào cản.
Tuy cũng một công thức trồng, nhưng quy định thì bắt buộc cứ một sản phẩm đều phải test mẫu và 6 tháng phải test lại một lần. HTX chỉ test mẫu ở một đơn vị nhưng xin miễn giảm cũng không được. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất muốn chứng nhận hữu cơ nhưng chỉ có tổ chức quốc tế công nhận với chi phí rất cao. “Tại sao, Sở NN-PTNT lại không cử người đi học, trở thành hội viên của các tổ chức công nhận, để giảm chi phí”, bà Ngọc đặt vấn đề.
Ông Lê Nguyễn Cẩm Tú - DN trồng dưa lưới ở huyện Hóc Môn - lo lắng về tình trạng không có đất sản xuất. Đất mà DN hiện đang sản xuất sắp bị người thuê lấy lại, dù hợp đồng thuê đất vẫn còn thời hạn nhưng chủ đất sẵn sàng đền bù vi phạm hợp đồng do giá đất đang chuyển nhượng quá cao. Không những thế, DN thuê đất từ người dân chỉ được 3 - 5 năm, thời hạn quá ngắn cho việc đầu tư công nghệ cao chi phí hàng tỷ đồng. DN biết huyện Hóc Môn đang có quỹ đất công bỏ trống, nhưng làm đơn xin thuê gửi UBND huyện và UBND TPHCM hơn một năm qua vẫn chưa phản hồi, còn miếng đất đó vẫn bỏ hoang!
Ông Lê Thế Khải, Giám đốc HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), than thở giữa quy định và cách làm vẫn còn khoảng cách rất xa. Điển hình, DN được hỗ trợ chi phí thuê nhân viên có trình độ đại học về làm việc nhưng giải ngân quá chậm. Nhân viên cứ phải định kỳ 2 năm đi học tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nhiều năm nay quy trình tập huấn vẫn như cũ, không thay đổi, nên cử đi học thì rất lãng phí. Nguồn nước làm bánh phải xét nghiệm 109 tiêu chí nhưng rất khó đạt, kể cả nước thủy cục HTX mang đi xét nghiệm cũng “rớt”! HTX mong muốn Sở NN-PTNT đầu tư công nghệ trong phơi sấy để sản phẩm được ngon, chất lượng hơn.
Đại diện Công ty Trân Phương (quận 9) hỏi, DN đang chuẩn bị làm công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Nghị định 57/2018 quy định hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ. Vậy DN phải làm xong sản phẩm hay chỉ cần có dự án là được hỗ trợ?
Một DN (xin giấu tên) bức xúc, thực tế việc test mẫu chỉ có DN thu mua mới làm được. DN thu mua lấy rau từ nhiều nơi sản xuất về, nhưng chỉ cần test một mẫu là có thể lưu hành, đây là điều phi lý vì chất lượng mỗi vùng trồng sẽ khác nhau. Ngoài ra, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn, toàn DN phải tự đi kết nối.
Cần chính sách chặt chẽ để nông dân an tâm
Đại diện Hội Nông dân TPHCM kiến nghị, việc hỗ trợ cán bộ đại học về HTX cần tăng lên 5 người/HTX thay vì 2 người, để có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc. Hiện nay, nhiều HTX mong muốn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nhưng phải nhờ đến tổ chức quốc tế với chi phí chứng nhận quá cao, thủ tục phức tạp. Nếu được, Sở NN-PTNT chủ động làm trước để đón đầu, như xin ý kiến cơ quan thẩm quyền để xây dựng tiêu chí chứng nhận sản xuất hữu cơ riêng cho TPHCM. Ngoài ra, có chính sách quản lý an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn, để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn không còn lo lắng cạnh tranh với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn bình thường.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, do lĩnh vực nông nghiệp rất rộng nên Quyết định 655/2018 có điều khoản “mở” là quy định các phương án khác do UBND quận - huyện xem xét từng trường hợp cụ thể. Riêng về Nghị định 57/2018 thì đang chờ thông tư triển khai. Các DN có khó khăn nên kiến nghị kịp thời với Sở NN-PTNT, cũng như hỗ trợ tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi ban hành thông tư thực hiện.
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, đối với những thắc mắc về những quy định mới như thuế, xây dựng, ngân hàng…, những đơn vị có kiến nghị cần làm văn bản gửi lên sở, để tổng hợp trình UBND TPHCM có kiến nghị đề xuất lên Trung ương. Đối với vướng mắc về các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, do quy định giữa Luật Đất đai và Luật Xây dựng chưa đồng nhất nên UBND TPHCM tiếp tục kiến nghị lên trên. Về chứng nhận hữu cơ, nhiều năm trước, sở đã từng kiến nghị Bộ NN-PTNT có thể làm chứng nhận trong nước theo tiêu chuẩn nước ngoài để giảm chi phí cho nhà sản xuất, nâng cao chất lượng, nhưng vẫn chưa có phản hồi. Ngoài ra, Sở NN-PTNT TPHCM cũng đang kiến nghị việc có thể thế chấp thiết bị công nghệ cao để vay vốn ngân hàng.
Quyết định 655/2018 của UBND TPHCM hỗ trợ cho DN khi vay vốn ngân hàng từ 60% đến 100% lãi vay, với hạn mức hơn 10 tỷ đồng. Chính sách này dành cho các DN đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ và có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao… |