Với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp-đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Hội nghị sẽ được tổ chức ngày 30-7, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương; Lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức, hiệp hội, bao gồm: Các tổ chức quốc tế (WB , ADB, AFD, JICA)…; Các tổ chức chính trị-xã hội (Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam)...
Phát biểu tại buổi Họp báo chiều 27-7, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Việt Nam là nước có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD; tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD; rau quả đạt 3,502 tỷ USD; cà phê với 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD…
|
Để đạt được những thành tựu đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính hết quý 2-2018, ước tính cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%; tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn với 5,59% và doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06%. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như: Thiên tai, rủi ro dịch bệnh dẫn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro so với các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phản ánh gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao; ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ ở bước đầu phát triển…
Vì vậy, Hội nghị lần này là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn trong thời đại mới.
Vân Hà/http://phapluatxahoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã