Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nông nghiệp” sáng ngày 17/12 tại Hà Nội.
Thiếu phương thức sáng kiến và ứng dụng
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao thì trước tiên doanh nghiệp (DN) phải có đất. Hiện nay, mặc dù ở khu vực nông thôn nhưng để có một quỹ đất lớn đủ cho nhu cầu của DN không phải là chuyện dễ dàng. Theo ông Ngô Tiến Dũng-Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, khó khăn lớn nhất khiến các DN e ngại là sự phân tán, quy mô nhỏ, nên khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.
Từ thực tế hoạt động của đơn vị mình, ông Vũ Văn Tiền- Chủ tịch Tập đoàn Geleximco (Thái Bình) chia sẻ, hiện nhiều nơi, nông dân bỏ ruộng rất nhiều, nhưng DN chẳng thể nào đàm phán được với hàng nghìn hộ nông dân một lúc để tập hợp được đất sản xuất. Đây là vấn đề nan giải, cần đến sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Do đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc địa phương cấp đất cho DN sẽ ngày càng khó khăn. Thay vào đó, hình thức DN liên kết với nông dân thông qua các tổ chức sản xuất như hợp tác xã sẽ dần thay thế. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Nhiều nơi tuy đã áp dụng nhưng không thành công. Tâm lý cũ, thói quen sản xuất lạc hậu là trở ngại khiến việc liên kết không thành. “Biến nông dân thành những người công nhân nông nghiệp là một hướng rất tốt hiện nay. Chúng tôi có nhiều dự định lập dự án liên kết sản xuất với nông dân, nhưng họ vẫn khư khư giữ đất và cách làm cũ bởi họ không tin nếu liên kết với DN thì sẽ hiệu quả hơn”-ông Tiền phân trần.
Bên cạnh nỗi lo về sự “thiếu hợp tác” của nông dân, thì theo TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK-Holdings, việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa tính đến sự khan hiếm của các nghiên cứu thị trường và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn cho việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và tiếp cận với thị trường quốc tế”. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đầu tư và hướng tới thị trường quốc tế, thiếu khả năng và chuyên môn để tiếp thu hiệu quả và hưởng lợi từ các cải tiến công nghệ và trong hầu hết các trường hợp, không có khả năng tiếp cận thông tin liên quan ở thị trường quốc tế. Mặt khác, việc tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các dịch vụ tư vấn đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế, chất lượng của các dịch vụ này cũng không được bảo đảm. Một vài nhà cung cấp dịch vụ đang nỗ lực cung cấp các gói dịch vụ này, tuy nhiên, những cố gắng của họ vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ và việc chia sẻ thông tin giữa những doanh nghiệp này chưa thật sự thường xuyên. Điều này chứng tỏ, thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng.
Đẩy mạnh hợp tác công tư
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam hiện nay là nhu cầu ngày càng cao của thế giới về các sản phẩm bền vững như chè, cà phê, gạo… Để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP), nghĩa là nhà nước và DN cùng hợp tác để thu hút nhiều DN tham gia, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. “Bộ NN&PTNT đã khởi động chương trình đối tác công tư từ năm 2011 và hiện nay đang triển khai trên các lĩnh vực gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hạt tiêu, gia vị… Mô hình này đã chứng tỏ nhiều lợi ích như năng suất tăng, thu nhập tăng, tiết kiệm nước và giảm phát thải cacbon” – ông Doanh nói.
Đơn cử như, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã cam kết hỗ trợ phát triển hạt cà phê Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, dự án Nescafe Plan đã chuyển giao 7 triệu cây giống và tổ chức tập huấn cho 24.000 nông dân trồng cà phê tại những vùng trồng cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hướng dẫn kinh doanh cà phê bền vững. Hay đối với mặt hàng chè, dự án hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Công ty Unilever trong khuôn khổ chương trình Phát triển chè Việt Nam triển khai từ đầu năm 2014 sẽ hỗ trợ cho 30 nhà máy chè tại Việt Nam và 19.000 nông hộ trồng chè quy mô nhỏ. Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của chè nguyên liệu Việt Nam và tăng lượng chè đen xuất khẩu lên 30.000 – 35.000 tấn.
Theo nhiều chuyên gia, chúng ta cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp lo đầu ra cho sản phẩm, vì nhiều năm qua, đây là khâu yếu cả về thực tế và chính sách. Sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng nhưng phải tính là tiêu thụ ở đâu. Ông Đặng Đình Tiên – Giám đốc Công ty CP Tiên Viên đề xuất, cơ quan quản lý cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tươi sống. Ông Tiên cho hay, thực phẩm tươi sống cần đến được với người tiêu dùng càng sớm càng tốt nhưng thực tế lại có không ít trở ngại như việc cấp phép cho xe đông lạnh đi vào các phố nội đô, vào các khu dân cư.
Theo Mai Thanh/ enternews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã