Thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp
Thiếu vốn lưu động, khó tìm kiếm nguồn hàng, nhưng thủ tục hành chính mới là nguyên nhân làm đau đầu lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) trong 3 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên phải) trao đổi với đại diện Công ty Cát Tường |
Doanh thu năm 2017 của Cát Tường cán mốc 20 triệu USD. Từ khi thành lập, họ chi không dưới 500 tỷ đồng để đầu tư vào vùng nguyên liệu 150 ha, nhưng diện tích này mới chỉ đáp ứng 10-15% tổng sản lượng xuất khẩu của Công ty mỗi năm. Phần còn lại phải thu mua từ nhiều hợp tác xã và hộ nông dân khác. Trong khi thị trường xuất khẩu của Cát Tường đều là những nước có quy chuẩn nghiêm ngặt hàng đầu về chất lượng sản phẩm (New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…) thì việc không tự chủ phần lớn nguồn hàng có thể khiến công ty này mất đối tác.
“Chúng tôi là một chuỗi từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, nên rất cần thuê thêm đất để xây dựng nhà máy chế biến bên cạnh nhà xưởng hơn 1 ha đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng và kho lạnh 3.500 tấn”, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Cát Tường nói.
Ông Sang cũng cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, Cát Tường đã mua hệ thống xử lý hơi nước nóng cho trái cây của Nhật Bản với giá hơn 30 tỷ đồng để loại nấm bệnh trên sản phẩm. Nhưng sau 1 năm mua về, hệ thống máy này vẫn đang “đắp chiếu” và hiện khách hàng đã từ chối hợp tác cùng Cát Tường vì không thể cung ứng đơn hàng.
Lý do, theo đại diện Công ty Cát Tường, đơn vị này đã có đối tác Hàn Quốc nhập khẩu trái cây, nhưng Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) lại yêu cầu đối tác Hàn Quốc phải thông qua Cục, đưa yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu tới Cục, rồi từ đó Cục mới thông tin lại cho Cát Tường.
“Cát Tường không được phép trao đổi thông tin trực tiếp với các đối tác Hàn Quốc, mà phải thông qua Cục Bảo vệ thực vật. Nhiều lần Cát Tường cũng như lãnh đạo tỉnh Tiền Giang gửi các văn bản đến Bộ NN&PTNT để hỏi về tiến trình thỏa thuận giữa 2 bên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Chúng tôi không thể biết được thông tin về việc hợp tác đang vướng mắc ở khâu nào”, ông Sang phàn nàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý Cát Tường gửi thêm một văn bản kiến nghị đến Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng sẽ trao đổi cùng lãnh đạo các bộ liên quan để nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
“Cả Cát Tường và UBND tỉnh Tiền Giang đều phải quyết liệt, sát sao hơn. Cứ để thế này sẽ chết doanh nghiệp. Tỉnh không giải quyết được thì trình Bộ. Bộ không giải quyết được thì kiến nghị Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Giám đốc Công ty Cát Tường cũng cho biết, doanh nghiệp này chưa từng tiếp cận vay được vốn từ bất kỳ chương trình hỗ trợ nào của địa phương hay các ngân hàngthương mại, cũng như tổ chức tín dụng. “Chúng tôi phải rất vất vả xoay sở để có tiền ứng trước cho nông dân cũng như hợp tác xã liên kết sản xuất”, ông Sang nói.
Lãi suất cho HTX vay còn quá cao
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 150 hợp tác xã (HTX), trong đó, hơn 65% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hầu hết đều cần nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
Đơn cử, HTX sản xuất lúa giống và dịch vụ Vĩnh Tiền tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng chuyên cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu lúa sau thu hoạch cho các hội viên, có vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 200 triệu đồng.
Ông Quách Văn Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết, Vĩnh Tiền đang hợp đồng cung cấp 150 tấn giống lúa với Công ty cổ phần Điền Tín Kiên Giang cho 1.000 ha gieo trồng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất số lượng này cần khoảng 2 tỷ đồng. HTX buộc phải vay tín chấp 3 tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank trong 3 năm, với lãi suất 1%/tháng.
“Mức lãi này quá cao, cần giảm xuống để bà con có thể tiết giảm chi phí sản xuất mà tham gia nhiều hơn vào mô hình HTX”, ông Quang nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị LienVietPostBank Sóc Trăng và lãnh đạo tỉnh xem xét giảm mức lãi suất trên, không quá 8%/năm.
Bộ trưởng cho rằng, việc tuyên truyền để nông dân tham gia vào các HTX là xu thế tất yếu, bởi chỉ khi có pháp nhân thì các cơ quan liên quan mới có thể làm bệ đỡ, tạo thể chế phù hợp.
“Tôi muốn dùng cụm từ nông nghiệp hiệu quả cao, nghĩa là phải xác định được bán cho ai, đến thị trường nào và sản xuất ra sao, chứ không phải nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, nông nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển dựa trên sản phẩm hữu cơ, trái mùa và đặc sản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng khẳng định, tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được chuyển đến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Được biết, cuối tháng 7/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì một hội nghị khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đối thoại với các đơn vị liên quan tại tỉnh Lâm Đồng.
Theo Hồng Phúc/baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã