Chuyên gia Hà Lan hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hoa ở vươn hoa công ty Hoa Đất Việt (ảnh do doanh nghiệp cung cấp) |
Vì sao chọn nhóm ngành mới
Trong một xã hội ngày một phát triển và thị trường ngày càng hội nhập thì sản xuất nông sản theo quy trình chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn, đã và đang khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất hoa quả tươi, rau an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đã được các doanh nghiệp áp dụng và thị trường ghi nhận điều này. Xuất phát từ đó, lần đầu tiên hội DNHVNCLC điều tra một ngành hàng mới: hoa tươi, rau quả tươi của các doanh nghiệp sản xuất có quy trình từ chọn giống, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối đạt các chuẩn an toàn và sạch. Có bảy doanh nghiệp trong ngành được bình chọn (trong 80 doanh nghiệp đạt lần đầu): CTCP Nông sản thực phẩm Lâm Đồng, công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm), công ty TNHH MTV Trái cây Long Khánh, công ty SX – TM – DV Hoa Đất Việt, công ty TNHH Trại nấm Việt Phước, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào.
Đầu tư để có sản phẩm
Một điều dễ nhận thấy, mặc dù miền Tây Nam bộ được coi là vựa trái cây lớn của cả nước, tuy nhiên những doanh nghiệp trong ngành mới (nông sản tươi) lại tập trung tại vùng Đông Nam bộ. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù không phải là vùng có nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú nhưng những doanh nghiệp trên đã biết cách nắm bắt cơ hội, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, đầu tư sản xuất để sản phẩm của mình đạt chất lượng và có độ phủ rộng hơn.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty SX – TM – DV Hoa Đất Việt cho hay: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hoa Đất Việt đã ý thức được việc nhận diện thương hiệu qua hệ thống nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, thiết kế cửa hàng, đồng phục nhân viên... chúng tôi đầu tư hệ thống nhà kính hiện đại, áp dụng các kỹ thuật sản xuất, trồng trọt tiên tiến. Bên cạnh đó là việc chuyển giao công nghệ đối với các hộ nông dân cung cấp hoa cho công ty, để đảm bảo chất lượng sản phẩm được đồng nhất”.
“Cùng với việc đầu tư cho thiết bị máy móc trong ngành, chúng tôi cũng liên tục tìm hiểu thị trường, kịp thời nắm bắt nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng để đưa vào sản xuất những sản phẩm mới có chất lượng cao cho thị trường”, ông Huỳnh Văn Hải, giám đốc công ty TNHH MTV Trái cây Long Khánh cho biết. Hiện nay, mỗi tháng công ty TNHH MTV Trái cây Long Khánh cung cấp cho các siêu thị như Co.opmart, BigC… ở khu vực Đông Nam bộ từ 50 – 60 tấn hoa quả đã qua sơ chế với doanh thu khoảng 3 tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh, công ty TNHH Trại nấm Việt Phước nhận định rằng, ngành nông sản tươi trong đó có ngành sản xuất nấm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ở Việt Nam như về đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng về nguồn nguyên liệu… nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ và kỹ thuật cùng với việc mở rộng thương hiệu, mạng lưới cung cấp thì sẽ ổn định được đầu ra cho sản phẩm.
Thách thức trong bối cảnh hội nhập
Trước bối cảnh thị trường đang gia tăng áp lực từ việc có thể ký kết hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN +1, các FTA với EU và các nước… Việt Nam, một nước nông nghiệp, có thể nhìn thấy cơ hội để ngành nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, để được tham gia vào sân chơi hội nhập này ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Khi đó, việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hệ quả là doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hoá của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, việc bị thua trên “sân nhà” là điều khó tránh nếu không có chiến lược đúng đắn.
Ông Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho rằng ở Việt Nam, việc sản xuất hoa tươi tuy có truyền thống lâu đời nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình, vẫn còn ít các doanh nghiệp có quy mô lớn, do đó các kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch còn hạn chế, làm giảm đáng kể chất lượng hoa thương phẩm. “Khi các hiệp định được ký kết và có hiệu lực, nhiều đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh sẽ gia nhập vào thị trường, gây áp lực không chỉ cho Hoa Đất Việt mà còn cho các doanh nghiệp nông sản khác tại Việt Nam. Để đối phó với khó khăn, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch, hoàn thiện hệ thống phân phối”…
Đa phần những doanh nghiệp nông sản tươi đi lên từ những hộ gia đình, vì thế họ chưa có một nền tảng cần thiết để có thể quản lý và phát triển doanh nghiệp của mình, “Mong rằng khi vào hội DNHVNCLC chúng tôi sẽ được học tập những kinh nghiệp về quản trị, về nguồn vốn, về thị trường và công nghệ sản xuất để có thể sống được không những ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước ASEAN hay các nước trong Hiệp định TPP” – Ông Nguyên Đức Anh, phó giám đốc công ty TNHH Trại nấm Việt Phước tâm sự.
TRẦN QUỲNH
Theo sgtt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã