Liên kết 3 bên cùng có lợi
Ông Nguyễn Văn Tấn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang tham gia “Chuỗi liên kết dọc sản xuất cá tra” với Công ty Thuận An - An Giang được hơn một năm.
Hiện diện tích thả nuôi của gia đình ông gồm 32.000 m2 với sản lượng bình quân khoảng 1.398 tấn/ năm. Ngoài việc được ngân hàng giải ngân cho vay hơn 15 tỷ đồng lãi suất thấp, ông Tấn rất vui vì chuỗi liên kết còn mang lại cho nhiều lợi ích như được đào tạo, cung cấp giống, thức ăn và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra… và đặc biệt giá thành sản xuất thấp, lợi nhuận cao.
Ông Tấn kể, trước đây khi còn nuôi tự do, tự kiếm mối bán gặp đủ thứ khó khăn. Nay cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu, không còn phải lo lắng tìm nơi bán cá nữa. “Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…phần dôi dư là lợi nhuận, chúng tôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền”, ông Tấn nói.
Cũng tại An Giang, tiếp xúc bác nông dân Nguyễn Văn Phu huyện Châu Phú (An Giang) nhận xét rằng: nếu so sánh giữa nuôi cá tự do với nuôi cá theo mô hình liên kết chuỗi thì mô hình liên kết là mô hình bền vững. Khi tham gia, nông dân không sợ mua phải thức ăn kém chất lượng mà giá lại giảm từ 200 - 300 đồng/kg thức ăn cho cá.
“Hai hầm cá sắp đến thời điểm thu hoạch, vụ cá này nhẩm tính với giá thị trường hiện nay khoảng 19.000đ/kg có thể mang lại cho tôi hơn 27 tỷ đồng. Qua kinh nghiệm thực tế gần 20 năm, nếu mãi làm ăn riêng lẻ thì chỉ có thua thiệt mà thôi. Đi vào con đường hợp tác, liên kết để sản xuất có lợi cho tất cả các bên”, bác Phu chia sẻ.
Tại buổi làm việc trò chuyện, Tổng giám đốc Công ty Thuận An, Nguyễn Thị Huệ Trinh, cho biết cơ chế cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá. Bởi vì hiện nay, khi đầu tư sản xuất cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra với sản lượng 350 tấn thì vốn đầu tư cần thiết là trên 07 tỷ đồng, trong khi đó, theo quy định hiện hành, giá trị 01 ha đất nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng từ 500 – 600 triệu đồng, chỉ đáp ứng khoảng 10% tỷ lệ bảo đảm theo quy định.
Gỡ khó đủ thứ
Phát biểu sau khi đã thị sát tình hình thực hiện mô hình cho vay thí điểm tại An Giang ngày 17/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận xét cá nhân ông rất phấn khởi với những gì đạt được. Cụ thể, Thống đốc khẳng định: “Sau một thời gian triển khai, có thể nói chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo ra chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Người nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định, các hợp tác xã yên tâm sản xuất, chất lượng nông sản được nâng lên”.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH TMDV Thuận An.
Để có được chuỗi liên kết như vậy, điểm nghẽn nhiều năm qua là tài sản đảm bảo vay của người dân đã được giải quyết thông qua cơ chế vay tín chấp, tài sản đảm bảo chỉ bằng khoảng 10% giá trị khoản vay. Đánh giá về hiệu quả của chính sách tín dụng này vào cuộc sống, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Vương Bình Thạnh phấn chấn: “Chương trình đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm trước đây đối với hoạt động nuôi cá tra tại An Giang như không đòi hỏi giá trị thế chấp quá lớn để hình thành vốn vay, giá thành sản xuất hạ, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra”.
Theo ông Thạnh, điểm linh hoạt trong triển khai là tất cả dòng tiền hoạt động trong chuỗi liên kết đều không sử dụng tiền mặt, người dân không phải giữ tiền mặt mà được mở tài khoản, giao dịch qua ngân hàng để thanh toán tiền mua giống, mua thức ăn nuôi cá.
Tính đến nay, đã có 8 NHTM được phê duyệt tham gia chương trình cùng chủ động phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn vay thực hiện các dự án theo tiến độ. Tổng số tiền giải ngân theo chương trình là 6.937,24 tỷ đồng, vượt số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay ban đầu (5.627,62 tỷ đồng). Lãi suất ngắn hạn hiện áp dụng là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn ở mức 5,4-6,3%/năm.