Tại khu vực ngoại thành Hà Nội với những vùng quê yên bình, trù phú, xanh mướt nhiều vườn cây quả và trang trại đặc sản đang là tiềm năng đặc biệt cho ngành du lịch. Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, rất cần sự cộng hưởng từ nhiều phía. Những năm gần đây, mỗi năm, làng rau sạch Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng rau sạch của địa phương.
Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đa phần đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú về quy trình sản xuất rau từ vun luống, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống rau, thậm chí, họ còn được tận tay “sản xuất rau”…
Không chỉ tại làng rau Giang Biên, mà tại Hà Nội, một số mô hình tham quan trang trại, miệt vườn cũng đã được triển khai tại các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ... giúp khách du lịch có được những trải nghiệm thú vị.
Chị Hường (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ khi biết đến các tour du lịch kết hợp nông nghiệp, những ngày cuối tuần, vợ chồng chị thường xuyên đưa các con đến trang trại hữu cơ Tuệ Viên (huyện Gia Lâm). Du lịch nông nghiệp là phương pháp hữu ích giúp các con chị được hòa mình vào thiên nhiên, biết được sự vất vả của người nông dân.
Một mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp tại Long Biên, Hà Nội. ẢNH: T.LIÊN |
Cách đây 5 năm, khi mô hình du lịch nông nghiệp chưa phát triển, chị Mai (quận Hà Đông) vẫn nhớ lần đầu đưa các con đi trải nghiệm thực tế tại trang trại bò, trang trại đà điểu ở Ba Vì.
Trước đó, khi thấy con trai nhỏ không phân biệt được thế nào là con trâu, con bò; thấy con đà điểu cao lêu nghêu qua ảnh đầy ao ước, chị đã vận động bạn bè cùng tổ chức cho các con đi trải nghiệm trang trại đồng quê.
Chuyến đi khá bổ ích, thú vị, bởi qua đó, các con được trực tiếp thấy cảnh nông dân vắt sữa bò, được bốc cỏ cho bò ăn, được ngắm đàn đà điểu… Trên thực tế đó mới chỉ là chuyến du lịch theo kiểu “cây nhà lá vườn”, chứ chưa có dịch vụ kèm theo.
Tuy nhiên, từ mô hình du lịch nông nghiệp "sơ khai" đó, đến nay, ở ngoại thành Hà Nội đang hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, có đầy đủ các tiện ích: Ăn uống, nghỉ dưỡng, khám phá, mua nông sản đặc sản, đặc biệt là cảnh quan, môi trường đã được cải thiện đáng kể.
Giờ đây đã có không ít những trang trại được lập nên để cứ cuối tuần lại rộn ràng đón hàng trăm khách du lịch tới thăm, phần lớn là học sinh, sinh viên. Có thể kể ra đây như trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), nơi du khách không chỉ được thảnh thơi dạo bộ giữa không khí trong lành miền sơn cước mà trẻ nhỏ còn được tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại...
Tại các huyện Phúc Thọ hay Đan Phượng, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, được bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của nông dân giàu kinh nghiệm chăm sóc, các vườn bưởi, ổi, đu đủ lúc lỉu quả vàng tươi, ngọt mát, thơm dịu hòa với khung cảnh làng quê thanh bình, đầy quyến rũ. Lạc vào những vườn cây này có cảm giác như “miệt vườn Nam Bộ” níu bước chân, vướng tầm nhìn bởi những cành trĩu quả treo trước mặt, có thể dễ dàng hái, nếm thử, rất thú vị.
Ts. Ngô Kiều Oanh - người xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trang trại đồng quê Ba Vì, cho biết du lịch nông nghiệp vốn là một trong những thế mạnh của Hà Nội, nhất là khi 70% người dân vẫn còn sống ở các vùng nông thôn. Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương…
Theo UBND TP Hà Nội, từ năm 2013, nhiều chính sách đã được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các vùng, mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển. “Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động gắn du lịch nông nghiệp tại các trang trại ở Ba Vì, Đường Lâm (Sơn Tây), Cự Khối (quận Long Biên)… nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời, thúc đẩy tiến trình xây dựng các tuyến du lịch để thu hút khách”, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Để đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng, Ts. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng: Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch một cách bài bản (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic…) kết hợp với dịch vụ homestay để góp phần giữ gìn môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, tạo sức hút mạnh đối với khách du lịch.
“Để phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, Cty du lịch và địa phương cần phải “bắt tay” nhau nhiều hơn. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, bảo đảm văn minh, an toàn cho du khách”, Ts. Nguyễn Anh Tuấn nói tiếp.
Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Đặng Văn Cường cho biết: Nước ta đã có một số mô hình DLNN thành công, có sức hấp dẫn du khách tương tự trang trại đồng quê Ba Vì như: Các tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây; phát triển du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển ở Rạn Trào (Khánh Hòa); DLNN ở Mộc Châu (Sơn La)…
Hà Nội cũng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển DLNN. Đặc biệt, khu vực xung quanh chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương. Nơi đây hình thành các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao ở xã Ba Vì; các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau rừng, hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, trâu, bò vàng nổi tiếng... Nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ… cũng có điều kiện để phát triển DLNN.
Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề nông nghiệp gắn với DLNN là một việc khó, đòi hỏi một chiến lược dài hơi. TS Oanh cho rằng: “Để nhân rộng mô hình DLNN, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm DLNN từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông…”.
Để tiềm năng du lịch nông nghiệp phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vùng nông thôn, phát triển kinh tế du lịch... thì còn nhiều việc phải làm. Theo nhận định của PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện trên địa bàn TP mới có hơn chục địa chỉ trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch đạt hiệu quả - đây là con số quá ít so với tiềm năng, lợi thế.
Nguyên nhân chủ yếu do thiếu quy hoạch bài bản, chưa có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Muốn phát triển mô hình này, ngoài quỹ đất, vốn đầu tư… điều quan trọng là môi trường sống phải xanh - sạch - đẹp; từng ngôi nhà, lối ngõ cần giữ được nét thôn quê bình dị song phải sạch sẽ, không để rác thải bừa bãi, không được thả rông vật nuôi (chó, mèo, gà, lợn, trâu, bò...) vừa khiến du khách e ngại, vừa làm xấu cảnh quan và ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy muốn phát triển loại hình DLNN, TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý Nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém tính bền vững.
Đồng thời, xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau như mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng. Cùng với đó, phải tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch.
Thủy Liên/phapluatxahoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã