Hỏi Nguyễn Văn Hiển chuyện trồng chanh rồi tiến đến xuất khẩu, anh bảo: "Tôi làm trước hết không phải vì lợi nhuận mà vì tự ái của một người Việt Nam, bắt đầu bằng một thắc mắc: "Vì sao Thái Lan và nhiều nước khác làm được còn mình thì không, dù điều kiện và xuất phát điểm họ chẳng hơn gì mình?".
Đặt hàng nhà khoa học
Nguyễn Văn Hiển trở lại với chuyện trồng chanh theo phương pháp hữu cơ gắn với thị trường xuất khẩu để tăng giá trị và ngay từ đầu đã tuân thủ theo quy trình sản xuất của châu Âu để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài chứ không cạnh tranh với nông dân trong nước.
Anh Hiển kể khi bắt tay vào làm lập tức đụng phải một núi khó khăn. Đầu tiên là bắt mối với một đối tác chuyên xuất hàng đi châu Âu và một trong những điều kiện để họ nhận lời hợp tác là phía anh Hiển phải gửi mẫu chanh sang châu Âu để kiểm nghiệm? Vì sao không kiểm nghiệm trong nước mà phải sang tận châu Âu? Anh Hiển trả lời: "Để nhập được hàng vào châu Âu, trước hết hàng phải nằm ngoài danh sách cấm thuốc bảo vệ thực vật lên đến 800 loại. Trong khi ở nước mình, đến thời điểm này, phương tiện máy móc chỉ test được có 300 loại".
Rảnh lúc nào là anh Nguyễn Văn Hiển lại đến với những gốc chanh trong trang trại của mình Ảnh: Nguyễn Thị Tuyết Ân
Vấn đề nữa là chanh của anh Hiển trồng theo phương pháp hữu cơ nên trái không thể to đẹp, đều như nhau và trái loại 1 đủ chuẩn xuất đi châu Âu chỉ khoảng 30%-40% sản lượng.
"Phần còn lại nếu bán giá thấp như trồng đại trà thì không bõ công mà còn xem như cạnh tranh với nông dân của mình. Đây là điều cấm chúng tôi đặt ra ngay từ khi khởi nghiệp trồng chanh. Đây cũng là lý do để chúng tôi nghĩ nhiều hướng để chế biến những quả chanh còn lại làm sao để vắt chanh mà không cần bỏ vỏ" - anh Hiển nói và cho biết đây cũng là hành trình mở đầu cho một loạt ví dụ thành công kinh điển về sự kết hợp giữa ý tưởng, vốn liếng… của doanh nghiệp và chất xám của các nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp.
"Bắt đầu từ việc GS-TS Võ Tòng Xuân và PGS-TS Bùi Văn Miên, TS Kha Chấn Tuyền, TS Huỳnh Hữu Đức, TS Nguyễn Bạch Đằng… đã ủng hộ hết mình khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng làm vì tự ái của người Việt và làm sao để đưa nông sản Việt đi xa hơn. Họ khẳng định sẽ bắt tay cùng nghiên cứu, cùng làm với chúng tôi" - anh Hiển nói.
Một lần, ngồi ăn sáng với GS-TS Võ Tòng Xuân, anh Hiển thấy lạ là trước khi ăn, ông lấy hai quả chanh vắt nước uống. Hỏi thì ông bảo đã uống như thế hơn 20 năm và uống như thế rất tốt cho sức khỏe, đẩy lùi được nhiều bệnh tật. Mặt khác, tinh dầu chiết xuất từ vỏ chanh chứa hơn 20 hoạt chất chống ung thư.
Khảo sát ngoài thị trường, anh Hiển thấy rất triển vọng nếu làm ra các sản phẩm giải khát loại sử dụng nguyên chất tinh dầu chiết xuất từ chanh. "Chúng tôi đặt hàng cho TS Kha Chấn Tuyền, nghiên cứu sinh Trương Quang Bình và các cộng sự nghiên cứu chiết xuất tinh dầu chanh và đã thành công, dù 10 kg chanh trái lấy vỏ chiết xuất chỉ được 10 ml tinh dầu" - anh Hiển nhớ lại.
Lấy vỏ chiết xuất tinh dầu thì ruột chanh thừa ra không biết làm gì. Anh Hiển chợt nhớ lúc nhỏ, mỗi lần bị cảm, ba mẹ pha cho ly nước chanh là đỡ, thức uống giá trị vầy sao lại bỏ, thế là nghiên cứu làm máy vắt nước chanh. Ban đầu định làm nước chanh tặng các trường học nhưng muốn tặng thì phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nên thôi.
"Chúng tôi lại đặt hàng cho các nhà khoa học. Thế là những sản phẩm từ quả chanh lần lượt ra đời: tinh dầu chanh, nước cốt chanh, bột chanh sấy, nước chanh đóng lon, kẹo mứt từ bã chanh. Gia vị thì có muối tiêu chanh, muối ớt chanh, chanh xắt lát hoặc lá chanh sấy giữ lại độ xanh và dinh dưỡng làm gia vị để chế biến thức ăn. Cứ làm từng sản phẩm một" - anh Hiển phấn chấn và cho biết đặc biệt là một lượng lớn nước cốt, vỏ chanh được cung cấp cho một doanh nghiệp để họ kết hợp với cao cá sấu bào chế thuốc điều trị cho các bé bị bệnh xương thủy tinh - một nghiên cứu đã được quốc tế công nhận điều trị hiệu quả.
Sống tốt với chanh
Những cuộc trò chuyện giữa tôi và anh Hiển luôn bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ đối tác. Một tập đoàn của Úc đang đàm phán để xuất một ngày khoảng 2 container nước cốt chanh đi Mỹ.
"Hiện đối tác đã chấp nhận phần kỹ thuật của sản phẩm nhưng chưa thống nhất về giá" - anh Hiển nói và thông tin tất cả sản phẩm từ chanh của Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt đều mang thương hiệu Chavi. Với một số sản phẩm, chẳng hạn như bột chanh hòa tan, châu Âu thì chưa chắc nhưng ở châu Á, công ty đang độc quyền sản xuất. Ngoài thị trường chanh trái châu Âu những ngày đầu, bây giờ một số sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Đức, Pháp, nhiều nước châu Á và sắp tới sẽ là Mỹ.
Cuộc trò chuyện sau cùng với anh Hiển, tôi xin phép tò mò một chút để hỏi với tổng vốn đầu tư đã hòm hòm 7 triệu USD thì doanh thu mỗi tháng bao nhiêu? Anh Hiển cười: "Nói thì không nhiều người tin nhưng tôi làm nông nghiệp là vì đam mê nên không muốn đề cập đến chuyện lợi nhuận, chỉ có thể khẳng định là chúng tôi đang sống tốt với chanh".
Tôi nghĩ có nhiều việc để kiếm nhiều tiền hơn nhưng vì mục đích ban đầu không phải chỉ vì kinh tế nên chúng tôi quyết tâm làm ra cái gì đó gắn liền với sản phẩm nông nghiệp nước nhà. Đó là lý do vì sao tôi đặt tên doanh nghiệp có gắn 2 chữ Chanh Việt" - anh Nguyễn Văn Hiển lý giải, ánh mắt tràn ngập niềm tin.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã