Đưa rau an toàn đến người tiêu dùng: Gian nan trong quản lý. Ảnh minh họa: Phạm Kiên - TTXVN
Gian nan trong quản lý
Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn.
Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55- 60% lương lương thực, thực phẩm.
Hiện nay, các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75- 80%).
Sau đó, hàng hoá được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm…, khiến công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm này rất khó khăn.
Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện trạng phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính: Bán rau trực tiếp cho các siêu thị chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ rau an toàn chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn công nhân, trường học,...) chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ bán lẻ (chợ dân sinh) chiếm 26,8%, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít; bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, việc quản lý sản xuất rau an toàn rất khó khăn do nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán với trên 200.000 hộ.
Hiện toàn thành phố có hơn 12.000 ha rau, nhưng mới chỉ có hơn 5.000 ha rau đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với khoảng 80.000 hộ tham gia sản xuất; trong đó, mới chỉ có 30% số hộ được tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Còn lại hơn 7.000 ha rau vẫn chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với khoảng 120.000 hộ tham gia sản xuất và chưa được tập huấn IPM…
Từ những đặc thù này, người tiêu dùng tại Hà Nội gần như rất khó mua được rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong khi đó, người sản xuất lại chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị thực tế.
Điều này cũng khiến các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ rau an toàn không có nhiều mặn mà trong việc liên kết tiêu thụ rau an toàn cho nông dân do lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Cùng với nhiều bất lợi khác như chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng cáo, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài… đã dẫn tới hệ lụy giá bán rau an toàn cao, tiêu thụ ít dẫn tới phá sản…
Kết nối sản xuất với tiêu dùng
Để kết nối cung cầu giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, Hà Nội đã tham gia dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (triển khai từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2017).
JICA đã chọn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam và Hưng Yên để triển khai dự án.
Qua khảo sát, 14/19 nhóm cho rằng, trước đây đã từng tổ chức tiêu thụ tập trung rau an toàn. Tuy nhiên, nhiều nhóm cho biết, khó khăn trong việc tổ chức tiêu thụ tập trung là sự hợp tác với người mua hoặc không có sự thống nhất giữa các thành viên trong nhóm.
Điều đó cho thấy, việc đối thoại với người mua và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm là yếu tố quyết định thành công của tiêu thụ.
Sản xuất rau sạch trong nhà kính tại khu nông nghiệp công nghệ cao ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN
Theo ông Hideki Maruyama, chuyên gia của dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc, một trong những lý do khiến việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Hà Nội vẫn bế tắc là do còn thiếu sợi dây liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm ở Nhật, ông Hideki Maruyama cho hay, một trong những nguyên tắc cơ bản trong phân phối các sản phẩm rau an toàn, đó là giữa người sản xuất và người tiêu thụ phải thiết lập được sự hợp tác bài bản, tin cậy, trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Theo đó, giữa đơn vị phân phối và nông dân phải cùng nhau thiết lập được kế hoạch sản xuất mang tính chủ động, trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên.
Trong quá trình sản xuất, hai bên có sự giám sát về chất lượng trong từng giai đoạn sản xuất để cùng đảm bảo rằng sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Mamyia Chiyo, Trưởng nhóm tư vấn dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc cho rằng, rất cần có sự gắn kết giữa người sản xuất và nhà phân phối sản phẩm.
Thay vì thói quen trước đây của đại đa số nông dân Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là cứ trồng rau rồi mang đi bán… thì nay, người sản xuất cần phải xác định được trước nhu cầu khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thống với người tiêu dùng rồi mới sản xuất.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ cho chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới, dự án sẽ được triển khai tại nhiều địa phương tại Hà Nội cũng như các tỉnh cung ứng rau an toàn lớn cho Thủ đô như Hải Dương, Hưng Yên, với đối tượng chính là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhóm nông dân. Mục tiêu của dự án là tiếp tục xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa các đơn vị phân phối rau an toàn và các đơn vị sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, để kết nối bền vững, việc sản xuất rau an toàn cần một cách nghĩ và cách làm mới cho sản xuất rau an toàn.
Đó là, người sản xuất xác định được trước nhu cầu khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thống với người tiêu dùng rồi mới sản xuất theo nhu cầu.
Qua đó, tránh được tình trạng được mùa rớt giá hoặc bị tư thương ép giá trong thời gian qua.
Phương Anh/TTXVN