Chị là Nguyễn Thị Ngọc Mai (sinh năm 1978), công nhân Dệt bậc 2/5, Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Là công nhân Dệt có tay nghề bậc 2/5, với thâm niên 12 năm trực tiếp sản xuất trên dây chuyền, chị Mai đã có tới 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại lợi ích thiết thực cho công ty, đồng nghiệp.
Cụ thể là các sáng kiến “Nghiên cứu sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicol để làm mát và bôi trơn sợi Dệt”. Trước đây các máy dệt bằng dầu Silicol - loại dầu không có trong nước, giá thành cao. Chị đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần và tìm ra tỷ lệ thích hợp cho dầu Emesol với nước 1% là dung dịch thay thế. Kết quả rất khả quan, các máy dệt sử dụng tốt, giảm tần suất đứt sợi, từ 30 lần xuống còn 20 lần/ca và quan trọng là dầu Emeson rất dễ mua, pha chế và dễ sử dụng. Sáng kiến của chị đã làm lợi cho đơn vị 20 triệu đồng/năm.
Sáng kiến “Cải tiến quy trình đánh dấu sản phẩm công đoạn” nhằm đánh dấu kíp và thống nhất ở tất cả các khâu giúp cho việc kiểm soát triệt để nguồn gốc sản phẩm (từng người làm) và việc quản lý sản phẩm cũng dễ dàng hơn.
Trong 12 năm công tác chị Mai có tới 4 sáng kiến được ghi nhận, áp dụng thành công vào sản xuất. Ảnh: M.N
Sáng kiến “Thay đổi chiều rộng sợi vải Dệt tại công đoạn Tạo sợi và phân bố lại sợi dọc trong máy Dệt”; theo cách làm cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra cuộn vải quá to hoặc nhỏ hơn cũng tác động đến các công đoạn tiếp theo gây lãng phí nguyên liệu. Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và có sáng kiến chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt hợp lý, điều chỉnh sợi vải dọc theo một sơ đồ nhất định. Kết quả sáng kiến của chị đã giúp cho năng suất lao động tăng lên, giảm tiêu hao vật tư, khoảng 50kg nhựa/ca, lượng phế cũng giảm từ 5-8kg/ca còn 2-4kg/ca. Hiệu quả kinh tế từ sáng kiến mang lại giúp tiết kiệm khoảng 1.5 triệu đồng/ca và khoảng 1 tỷ/năm chi phí sản xuất cho đơn vị.
Ngoài ra, chị còn có sáng kiến trên chốt an toàn của cuộn vải dệt. Nhờ sáng kiến này mà cuộn vải dệt được giữ cố định, không bị rơi làm mất an toàn cho lao động trong quá trình sản xuất.
Say mê với công việc, chị cũng rất tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, các phong trào thi đua lao động sản xuất của đơn vị, tham gia các hoạt động từ thiện. Không chỉ đảm việc nước, chị còn giỏi việc nhà. Công việc vất vả, phải làm 3 ca, kíp một ngày nhưng chị vẫn dành thời gian chia sẻ công việc nhà với chồng con.
Chị Mai chia sẻ: “Mặc dù là người đưa ra sáng kiến nhưng nếu không được sự ủng hộ động viên của lãnh đạo, đồng nghiệp trong công ty thì mình cũng không thể biến sáng kiến đó thành hiện thực”.
Trước đó, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã phát động phong trào lao động giỏi, sáng tạo giỏi, khuyến khích các công nhân cùng sáng tạo. Chính vì thế, khi chị Mai có sáng kiến thì ngay lập tức được mọi người ủng hộ chung tay biến sáng kiến đó thành hiện thực.
Kết lại cuộc trò chuyện, chị Mai nhắn nhủ: “Theo mình không làm thì thôi, nhưng đã đi làm, đã xác định gắn bó thì phải cố gắng nỗ lực, dù ở bất cứ vị trí nào. Khi có sáng kiến thì chị em phụ nữ phải mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.
Nhờ những thành tích này mà chị Nguyễn Thị Ngọc Mai đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2016), Bằng khen của TW Hội LHPN Việt Nam “Phụ nữ xuất sắc toàn quốc giai đoạn 2011 - 2016”, danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở (2013 - 2015), 1 Giấy khen, danh hiệu thanh niên tiên tiến. Ngày 19.10 vừa qua chị là 1 trong 10 nhân vật phụ nữ Việt Nam được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã