Học tập đạo đức HCM

Giỏi làm giàu cho bản thân, tích cực chia sẻ với cộng đồng

Thứ tư - 20/09/2017 04:00
(Dân Việt) Ngày 19.9, Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, doanh nghiệp T.Ư và Hà Nội.

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 1

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn trao bằng khen của T.Ư Hội NDVN cho các nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào ND SXKDG giai đoạn 2012 - 2017. Ảnh:  ĐÀM DUY

Phong trào ngày càng lan tỏa rộng

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định: Phong trào nông dân thi đua SXKDG, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội NDVN phát động từ năm 1989 đến nay. Qua 5 lần tổ chức hội nghị tổng kết, phong trào đã thực sự có ý nghĩa chính trị- kinh tế- xã hội sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.

Trình bày báo cáo tổng kết phong trào giai đoạn 2012 – 2017, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết, các cấp Hội NDVN đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển phong trào. Trong 5 năm qua, phong trào tiếp tục phát triển, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên tham gia; góp phần hình thành các mô hình kinh tế tập thể, đóng góp đáng kể vào xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia; tích cực thúc đẩy công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Bình quân hàng năm, số lượng ND đăng ký đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp đạt hơn 6,2 triệu lượt hộ, chiếm 41,3% so với tổng số hộ ND cả nước. Qua bình xét, hàng năm có 3,55 triệu hộ đạt danh hiệu hộ ND SXKDG các cấp (chiếm 57,2 % số hộ đăng ký).

“Tuy số hộ đạt danh hiệu ND SXKD giỏi giảm 0,3 triệu hộ so với giai đoạn trước, nhưng chất lượng hộ ND SXKDG được nâng lên và bền vững hơn. Số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần so với giai đoạn 2007 - 2012. Nhiều ND đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao” - Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đánh giá.

Mô hình hay, hiệu quả

Những tham luận của các ND tiêu biểu đã làm sinh động hơn báo cáo tổng kết 5 năm phong trào ND thi đua SXKDG giai đoạn 2012 – 2017.

Câu chuyện khởi nghiệp mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao của  nông dân trẻ Nguyễn Hữu Trí ở TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, khiến nhiều đại biểu trầm trồ. Với quy mô 4ha đất, anh Trí đầu tư trồng các loại hoa cao cấp rất bài bản từ nhà lưới, hệ thống tưới tự động đến đầu tư nhà xưởng sơ chế, đóng gói, kho lạnh bảo quản... Từ trồng hoa công nghệ cao, anh Trí có thu nhập hơn 37 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 14 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Trí còn tạo công ăn việc làm cho 50 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm xây 3 ngôi nhà cho người nghèo và đóng góp tích cực  xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hoàng Liệt – nông dân tiêu biểu ở huyện Chợ Mới (An Giang) lại khá thành công với mô hình dưa xoài rất độc đáo. Xuất phát từ việc thấy xoài non rụng nhiều trong giai đoạn ra hoa kết trái, thấy lãng phí, người đàn ông này đã suy nghĩ, tìm ra giải pháp chế biến xoài non thành dưa xoài. Mô hình này đã mang về cho ông Liệt doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Còn nông dân trẻ Võ Ngọc Sơn ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại thành công với mô hình HTX Nông nghiệp Duy Đại Sơn. HTX liên kết với các hộ dân với quy mô 10ha, nuôi 600 con lợn nái, 4.000 con lợn thịt sạch theo quy trình VietGAP, 40.000 gà đẻ. Năm 2016, HTX thu lãi 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng.

T.Ư Hội NDVN đã trình Chủ tịch nước xét, tặng thưởng 20 Huân chương Lao động hạng Ba; trình Thủ tưởng xét, tặng 69 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các điển hình ND sản xuất kinh doanh giỏi xuất sắc. Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN xét tặng bằng khen cho 211 cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào ND thi đua SXKDG, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục làm nòng cốt

Trình bày tham luận định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam xanh, sạch đẹp, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN PTNT) nhận định cần xác định rõ những thách thức, cơ hội và đặc biệt là trong số rất nhiều hạn chế, khó khăn của nông nghiệp thì xác định rõ đâu là nút thắt cần tháo gỡ. Theo ông Tuấn có 7 nút thắt cơ bản của nông dân cần tháo gỡ về đất đai; lao động; vốn; khoa học công nghệ; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường và tính cộng đồng.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn cho rằng, trong 5 năm tới, đất nước hội nhập sâu rộng nên có cả thời cơ, thuận lợi và thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn là thuận lợi. Đó là thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến động của thị trường...

Trước tình hình trên, phát động phong trào ND thi đua SXKDG giai đoạn 2017 – 2022, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề nghị các cấp Hội, các đại biểu ND SXKDG triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ. Trong đó, các cấp Hội cần tiếp tục tực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. “Các ND SXKDG tiếp tục làm giàu tri thức, làm giàu kinh nghiệm, phát huy ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của hàng hoá nông sản. Đồng thời, những ND SXKDG cần tiếp tục là hạt nhân nòng cốt, đi đầu liên doanh, liên kết, hợp tác, thành lập HTX kiểu mới, tổ hợp tác sản xuất để tập hợp nông dân, dẫn dắt nông dân cùng sản xuất sản phẩm theo chuỗi” - Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

 

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 2

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn:

Thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm

                (Trích phát biểu khai mạc hội nghị)

T.Ư Hội NDVN tổ chức Hội nghị đại biểu ND SXKDG lần thứ V - giai đoạn 2012- 2017, nhằm biểu dương, tôn vinh những gương nông dân xuất sắc thời kỳ hội nhập, không chỉ chịu khó, chắt chiu, mà còn nhiều ý tưởng sáng tạo, ý chí quyết tâm, luôn khát vọng làm giàu chính đáng, khát vọng cống hiến cho đất nước.

Phong trào do Hội NDVN phát động từ năm 1989 đến nay, trải qua 5 lần tổ chức hội nghị tổng kết, phong trào đã thực sự có ý nghĩa chính trị- kinh tế- xã hội sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Phong trào đã góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu to lớn về  sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Phong trào đã góp phần thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Điều mới của phong trào 5 năm qua đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân đó là: chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún-  sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ- sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống- sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp- sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững… 300 đại biểu nông dân tiêu biểu về dự hội nghị là những tấm gương sáng, những mô hình thực tế sinh động, giàu sức thuyết phục, có sức lan tỏa và thu hút mọi người cùng tham gia để làm giàu.

Đức Thịnh (ghi)

 

 

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 3

Ông Hồ Tấn Phong - phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang:

Gắn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và du lịch

Tôi đang xây dựng mô hình 2,4ha đa canh ứng dụng công nghệ cao, tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP.Châu Đốc, An Giang. Tôi chia từng khu trồng hoa cây cảnh, các loại hoa lan cao cấp, khu trồng cây ăn quả, khu nhà lưới trồng rau... Tới vườn của tôi, ai cũng thích. Vào nhà lưới trồng cà chua bi, dưa lưới... khách nào cũng say mê, chụp hình lia lịa. Họ đến đây theo lời giới thiệu truyền tai, hoặc xem hình ảnh trên Facebook, Zalo... Một phần du khách đến vì muốn tìm hiểu thế nào là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nào là trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, rồi họ xem chúng tôi chăm sóc vườn cây. Thông thường du khách đến nhiều vào ngày lễ, tết, cuối tuần (có khi lên đến 50 - 60 khách/ngày). Thu nhập của tôi từ mô hình đa canh này đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 4

Anh Giàng A Chinh (dân tộc Mông) - bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, Sơn La:

Quà về bản là những câu chuyện làm giàu

Hội nghị tôn vinh hôm nay là sự ghi nhận cần thiết để nông dân, nhất là những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa như tôi yên tâm, phấn khởi làm việc, vươn lên trong gian khó. Hiện tôi có 40ha trồng cây táo sơn tra (táo mèo), trong đó có 7ha đã cho thu hoạch quả. Những năm gần đây, dân miền xuôi rất ưa chuộng táo mèo, nên chúng tôi xuất bán vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên do đường sá đi lại khó khăn, từ nơi tôi ở đi ra đến đường nhựa phải mất 33km, nên việc vận chuyển táo mèo gặp khó khăn, thương lái hay dựa vào điều này để ép giá. Tôi rất mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ những hộ dân tộc thiểu số như chúng tôi về vốn, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để chúng tôi phát triển kinh tế.

Về dự hội nghị lần này có rất nhiều gương nông dân làm ăn giỏi, có thu nhập tiền tỷ mà tôi đã gặp và trao đổi chia sẻ bí quyết làm ăn. Trở về bản làng sau hội nghị, tôi sẽ kể lại những câu chuyện làm giàu của họ để bà con trong bản cùng tìm hiểu và học hỏi.

 

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 5

Anh Phạm Đình Dừa - xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương:

Thêm tự hào và tự tin làm ăn

Hội NDVN tổ chức việc vinh danh, khen thưởng các điển hình nông dân tiên tiến là hoạt động rất cần thiết, ý nghĩa; giúp chúng tôi thêm tự hào và tự tin trong quá trình làm ăn. Đây cũng là động lực để thúc đẩy chúng tôi cố gắng trau dồi tri thức, kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ để vươn lên làm giàu, ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua. So với 2 năm trước khi được Hội NDVN trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (2015), đến nay tôi đã mở rộng quy mô trại gà giống từ 6.000 lên 20.000 gà bố mẹ. Với việc đầu tư chăn nuôi bài bản, nên dù giá cả gà có biến động nhưng tôi vẫn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

 

 gioi lam giau cho ban than, tich cuc chia se voi cong dong hinh anh 6

Bà Phạm Thị Thu Bình -  Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương:

Nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, vật tư, chuyển giao kỹ thuật

Trong giai đoạn 2012 - 2017, phong trào ND thi đua SXKDG đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội ND tỉnh Hải Dương đã thu hút 871.563 lượt hộ nông dân đăng ký. Qua bình xét, có 701.329 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp, tăng 85.599 lượt hộ so với giai đoạn 2007-2011. Để phong trào phát triển mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp Hội ND tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, ND như cho vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phối hợp  các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp  theo phương thức trả chậm, tổ chức các hội thảo đầu bờ…

Hỗ trợ ND phát triển SXKD, các cấp Hội đã tín chấp cho nông dân vay từ nguồn Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội... với tổng dư nợ trên 1.400 tỷ đồng, cho gần 45.000 hộ nông dân vay. Ngoài ra, các cấp Hội đã chủ động tăng cường xây dựng Quỹ Hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay đã có 87,97 tỷ đồng cho trên 9.000 hội viên nông dân vay.

5 năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tổ chức cung ứng chậm trả 31.835 tấn phân bón và thức ăn chăn nuôi thủy sản, với tổng trị giá 143 tỷ đồng. Dự án “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015” đã giúp nông dân mua được 603 máy nông nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất trên 14 tỷ đồng

Đức Thịnh/Danviet.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập463
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm460
  • Hôm nay64,948
  • Tháng hiện tại770,061
  • Tổng lượt truy cập90,833,454
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây