Thu nhập gấp 3-4 lần
Chúng tôi có mặt tại xã Quảng Lợi, một trong những xã có diện tích trồng củ cải lớn nhất của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đúng vào thời điểm thu hoạch củ cải vụ đông. Ông Ty Văn Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lợi cho biết: Cây củ cải được trồng tại địa phương từ lâu. Do thích hợp với khí hậu, đất đai nơi đây nên củ cải thường ít sâu bệnh, phát triển tốt, cho năng suất thu hoạch cao. Củ cải Quảng Lợi to, có màu trắng, hương vị cay, chứa nhiều nước, thơm ngon đặc biệt mà các vùng đất khác không có được.
Để làm ra món củ cải khô thơm ngon, dai giòn, bà con phải phơi đủ nắng.
“Từ củ cải tươi, tôi chế biến ra củ cải khô, củ cải phên… thu về 6 – 10 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với canh tác các loại cây trồng khác trên cùng 1 đơn vị diện tích đất”. Chị Hoàng Thị Quang
|
Cũng theo ông Thủy, trước đây bà con trồng củ cải để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Nhưng từ năm 2014, khi củ cải là một trong những sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”) của huyện Đầm Hà, thị trường tiêu thụ củ cải thuận lợi, diện tích trồng của cải của xã đã tăng lên rất nhanh. Nếu như năm 2014, diện tích trồng củ cải trên địa bàn xã là 15ha thì đến năm 2015 là 30,5ha và năm 2016 là 35ha. “Điều đáng nói, ngoài việc được sử dụng như một loại rau xanh thông thường, người dân Quảng Lợi nói riêng và Đầm Hà nói chung còn chế biến củ cải thành nhiều sản phẩm khác nhau như củ cải thái sợi khô, củ cải phên và củ cải muối mặn. Đầu năm 2015, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu” - ông Thủy nhấn mạnh.
Nhanh tay thu hoạch củ cải trên ruộng, chị Hoàng Thị Quang ở thôn Trung Sơn chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác, củ cải dễ trồng, thời gian trồng chỉ khoảng 70 ngày là thu hoạch được. Củ cải hợp với chất đất tơi xốp pha cát nên ngọt, dài củ và đẹp. Nhà tôi trồng 2.000m2 diện tích củ cải mỗi năm thu về 2 tấn củ tươi. Từ củ cải tươi, tôi chế biến ra củ cải khô, củ cải phên… thu về 6 – 10 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với canh tác các loại cây trồng khác trên cùng 1 đơn vị diện tích đất”.
Chế biến tỉ mỉ
Người dân xã Quảng Lợi thu hoạch củ cải.
Là đơn vị mua, chế biến củ cải lớn nhất huyện Đầm Hà, ông Ty Văn Bích - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, xã Quảng Lợi cho biết: “Bây giờ đang vào chính vụ củ cải (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch), HTX đang tích cực thu mua và chế biến củ cải. Thời gian gần đây, nhất là tại hội chợ, sản phẩm củ cải khô và củ cải phên Đầm Hà đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Giá bán là 150.000 đồng/kg củ cải khô, 50.000 đồng/kg củ cải phên. Để chế biến củ cải tươi thành các sản phẩm củ cải giòn, thơm ngon thì HTX phải đi qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ”.
Theo các hộ dân xã Quảng Lợi, từ củ cải tươi, bà con chế biến ra 3 loại củ cải chính là củ cải khô, củ cải phên và củ cải muối. Trong đó, củ cải khô là món ăn được ưa chuộng nhất. “Cứ 10kg củ cải tươi thì mới làm ra được 1kg củ cải khô. Bà con thu hoạch củ cải về rồi rửa sạch, thái lát mỏng, đem phơi trên thảm hoặc trên dây. Đến khi củ cải đạt đến độ khô thích hợp sẽ được vò với một lượng muối vừa đủ, không quá mặn rồi tiếp tục phơi cho đến khi củ giòn dai, vàng ươm là có thể đem đi bán. Củ cải khô là món ăn ngon thường dùng để nấu kèm với các món như: Kho thịt, canh hầm hoặc sào” - chị Quang thổ lộ.
Tác giả bài viết: Đức Thịnh
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã