Cuộc hội thảo bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng ngày 9-6 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được trực tiếp tại 81 điểm cầu, gồm 12 điểm cầu cấp huyện và 68 điểm cầu cấp xã, và có sự tham gia của 13 hợp tác xã cùng 51 hội quán trên địa bàn tỉnh, giúp thông tin được chuyển đến từng người nông dân tại địa bàn.
Cuộc hội thảo "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp" được trực tiếp tại 81 điểm cầu, gồm 12 điểm cầu cấp huyện và 68 điểm cầu cấp xã trên toàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thủy Triều |
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: "Nông dân vẫn tiếp tục quy trình sản xuất truyền thống"
Mở đầu sự kiện, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định cho đến nay một bộ phận nông dân vẫn tiếp tục quy trình sản xuất truyền thống, và tình trạng nông sản giảm giá khi năng suất sản xuất gia tăng vẫn liên tục diễn ra. Mặc dù câu chuyện "được mùa mất giá" phản ánh phần nào quy luật thị trường nhưng nếu đã xây dựng quy hoạch và có sự chuẩn bị từ đầu, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân... sẽ phần nào giúp giảm bớt những rủi ro cho tiêu thụ nông sản.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng hội thảo sẽ mang nhiều thông hữu ích về nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển", ông Dương nói.
|
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu khai mạc hội thảo "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp" sáng ngày 9-6. Ảnh: Ngọc Hùng |
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: "Tái cơ cấu nông nghiệp là một hành trình dài"
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đề nghị các chuyên gia sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể mà Đồng Tháp có thể làm ngay hoặc làm trong trung dài hạn; hoặc những vấn đề mà Đồng Tháp phải kiến nghị với trung ương. Cụ thể từ người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần phải làm gì trong thời gian ngắn cũng như trung dài hạn sắp tới để giảm phần nào tình trạng được mùa mất giá từ bao năm nay.
Theo ông Hoan, tái cơ cấu nông nghiệp là một hành trình dài, từ bước ban đầu về đề ra giải pháp cho đến bước triển khai thực hiện. Trong hành trình này cần sự đồng hành giữa các bên, gồm cơ quan làm chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân... để cùng nhau thực hiện việc chuyển đổi tư duy trong làm kinh tế nông nghiệp.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC): "Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững"
Trong vai trò diễn giả đầu tiên trình bày tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), đã phác thảo bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong sự đóng góp cho phát triển kinh tế. Theo ông Trai, xét ở quy mô cả nước lẫn nội vùng, thì ngành nông nghiệp đang tồn tại rất nhiều điểm hạn chế. Vì vậy, việc định hướng để ngành nông nghiệp đi đúng quỹ đạo, giúp gia tăng thu nhập cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế là điều cần thiết phải làm. Những thách thức không chỉ đến từ tình trạng biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước mà còn bởi áp lực cạnh tranh về nguồn lực của những nền kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ và tình trạng đô thị hóa. Những vấn đề của thị trường và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng nông sản cũng đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trai, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu đều tồn tại những hạn chế nhất định.
Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng “lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”; đến khâu sản xuất, thì quy mô khá nhỏ, thiếu liên kết.
Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình. Giá nông sản trung bình cao hơn 10% so với các nước là do chi phí sản xuất cao. Ở khâu chế biến, hạn chế được chỉ ra là chi phí hậu cần (logistics) cao, trình độ công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Riêng về xuất khẩu, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp; sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai (thứ nhất, bên trái), Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), trình bày về giải pháp cho ngành nông nghiệp ĐBSCL. Ảnh: Thủy Triều |
Theo ông Trai, ĐBSCL hiện đang thiếu sự liên kết vùng trên diện rộng. Trong khi đó, đẩy mạnh liên kết vùng là con đường không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, mà còn thực hiện mục tiêu lớn hơn là đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Điều này, có thể được dẫn chứng tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười (3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) khi đại diện lãnh đạo các địa phương này cùng nhà khoa học trường Đại học Cần Thơ và TPHCM tổ chức liên kết tiểu vùng để bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái và văn hóa thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là khi có thêm sự hiện diện của hai sân chơi lớn CPTPP và APEC, quy mô và độ mở ngày càng lớn và đa dạng hơn của thị trường sẽ chính là những cơ hội lớn. Vì thế, đòi hỏi, nông nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong một nền kinh te nông nghiệp.
Đứng trước thách thức đó, liệu chúng ta có thể làm gì? Ông Trai nêu ra câu hỏi và khuyến nghị một loạt giải pháp mà ngành nông nghiệp ĐBSCL cần ưu tiên thực hiện song hành.
Thứ nhất, quy hoạch từng ngành trong nông nghiệp theo xu thế của nền kinh tế thị trường, hội nhập với các nền kinh tế khác dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành. Cần cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, cấu trúc lại mô hình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, xây dựng quy mô cho phù hợp với xu thế của hội nhập và đặc thù của nông nghiệp Việt Nam. Tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng nhằm giảm chi phí cho tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất và kinh doanh, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ ba, chú trọng áp dụng công nghệ cao cùng với đổi mới và sáng tạo vì đây luôn là chìa khóa cho mọi vấn đề về hiệu quả trong sản xuất kinh doanh từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó, gia tăng năng suất lao động để đảm bảo hiệu quả đồng thời nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định.
Cùng với đó, Nhà nước cần kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho cả ngành một cách chiến lược theo từng giai đoạn, từng thời kỳ nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn hay xảy ra. Đảm bảo được đầu ra ổn định của sản phẩm, cân đối được cung cầu, sẽ giúp giải quyết được hiệu quả bài toán bình ổn giá, tránh được nạn đầu cơ tích trữ, mà trên hết thảy là tránh được vô số lãng phí đối với công sức và của cải của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ đóng góp tích cực đến việc nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị trong sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Cấu trúc lại quy mô và mô hình sản xuất trong nông nghiệp thông qua chiến lược phát triển du lịch sẽ tăng hiệu quả cho bà con nông dân sản xuất nhỏ.
Về phát triển thương hiệu nông nghiệp ĐBSCL, cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành, thương hiệu địa phương, quốc gia và quốc tế theo một tầm nhìn dài hạn và bền vững, trong điều kiện của sự biến đổi khí hậu.
Chính phủ do đó cần sớm ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm xây dựng vùng sản xuất lớn, “dọn đường” cho công nghiệp chế biến tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị nông nghiệp.
Sâu xa hơn, Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần có chính sách điều tiết và quản lý tính hiệu quả chung của ngành, cụ thể là đối với các hộ nông dân cá thể. Ngoài những chính sách khuyến nông thông thường như trợ giá, trợ giống, trợ vốn, hay giảm thuế suất, các chính sách liên quan đến việc quản lý quy trình, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh, và bao tiêu đầu ra, cũng cần được xem xét áp dụng. Nhờ đó, nông dân không những được khoán sản lượng, mà còn được hỗ trợ, quản lý và kiểm tra trong suốt quá trình vận hành của chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng và được tiêu thụ trọn vẹn.
Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” của các nhà quản lý và hoạch định chính sách nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ông Trai kết luận.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao: "Mạng lưới phân phối, thương hiệu, 'bắt mạch' được thị trường"
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nói về các xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên thế giới hiện nay. Ảnh: Ngọc Hùng |
Diễn giả thứ hai, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, đến với cuộc hội thảo bằng câu chuyện sản phẩm phở Việt Nam (thực phẩm ăn liền) do Thái Lan sản xuất đang bán rất chạy tại thị trường Mỹ. Khi bà Hạnh đi thăm nhà máy CP ở Thái Lan, bà được biết năng suất của nhà máy là 2 triệu gói phở Việt Nam/ngày. Không chỉ dừng lại ở phở, một số nhà sản xuất Thái Lan cũng đang đưa đến Mỹ các sản phẩm gốc Việt khác như bún bò Huế, mắm bà giáo Khỏe...
Ở quan điểm cá nhân, bà Hạnh cho rằng thực tế này đưa ra bài học cho Việt Nam phải xem xét, đó là các doanh nghiệp Thái Lan đang biết cách tổng hợp các lợi thế mà doanh nghiệp Việt chưa làm được: mạng lưới phân phối, thương hiệu, "bắt mạch" được thị trường, ứng dụng giải pháp công nghệ cao, tuân thủ và đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm...
Từ chuyến công tác đến cuộc triển lãm thực phẩm Thái Lan (ThaiFex 2018) gần đây, bà Hạnh đề xuất đến các doanh nghiệp nông nghiệp tại hội thảo các công thức là CERT (liên quan đến tiêu chuẩn) và BIZLAD (nghiên cứu khoa học và thực địa), cũng là phương thức mà Israel đang tiến hành, VAD tức giá trị gia tăng cho sản phẩm. Theo bà Hạnh, thế giới đang thay đổi xu hướng tiêu dùng từ 2N (ăn no, ăn ngon) thành 2S (ăn tốt cho sức khỏe và sắc đẹp) và chú ý đến tính an toàn, thiên nhiên và truyền thống (như bữa cơm do mẹ nấu, bữa ăn truyền thống); coi trọng nguồn gốc thực vật và theo xu hướng ăn chay; thực phẩm gắn với yếu tố truyền thống và bản địa; những phương thức chế biến thực phẩm mới như lên men và sấy; xu hướng ứng dụng công nghệ quét mã vạch (QR Code) để biết tất cả thông tin về một sản phẩm nông nghiệp....
Bà Hạnh đề nghị Đồng Tháp nhanh chóng thành lập 2 nhóm đặc nhiệm, một chuyên về nghiên cứu xu hướng thị trường và một chuyên về thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong nước và quốc tế. Điều này cũng góp phần giúp Việt Nam tiếp cận những xu hướng nông nghiệp mới nhất của thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam: "Doanh nghiệp sản xuất lúa gạo lại không sở hữu một thửa ruộng nào"
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, trình bày về mô hình canh tác nông nghiệp thông minh. |
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, đến với cuộc hội thảo với một ý tưởng mới mẻ: phát triển một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nhưng doanh nghiệp này lại không sở hữu một thửa ruộng nào.
Ông Mỹ chia sẻ câu chuyện những mô hình kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ của thế giới như Uber, Alibaba đang tác động đến hoạt động kinh doanh không chỉ của ngành nông nghiệp mà là tất cả mọi ngành kinh tế, dịch vụ trong nước, đặc biệt khi Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Chúng ta liệu có thể xây dựng công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào được hay không?", ông Mỹ cũng đặt vấn đề có cần phải thay đổi chính sách, quy định có liên quan đến vấn đề đất đai hay không. "Tôi nghĩ là không cần", ông nhấn mạnh vào nói rằng ở thế giới công nghệ 4.0 này hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng và có sự đột phá trong lĩnh vực hoạt động nông nghiệp, nếu muốn phát triển, nếu không sẽ hị bỏ lại phái sau.
Dẫn chứng câu chuyện thực tế ở Rynan Technologies, ông Mỹ cho biết cuối 2015 đơn vị này đã chuyển hướng trong hoạt động sản xuất, qua 2 năm xây dựng, đơn vị này đã hình thành nhà máy sản xuất 20.000 tấn phân bón theo mô hình nhà máy thông minh ở Trà Vinh.
Qua sự nghiên cứu và ghi nhận của bản thân, ông Mỹ cho rằng chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế: khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều cây giống, phân bón giả, kém chất lượng; khâu phân phối vẫn còn tình trạng "cò mồi" thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra hạt gạo; khâu thương mại thì bị cạnh tranh bởi gạo Thái Lan, Campuchia; khâu xuất khẩu vẫn còn tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước; khâu tiêu thụ thì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và người tiêu dùng vẫn sống trong nỗi lo lắng gạo tồn dư hóa chất.
Chính vì vậy, theo ông Mỹ, không thể thay đổi một chuỗi giá trị lúa gạo mà chỉ dựa vào người nông dân, mà phải thay đổi dựa vào những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao, biết cách liên kết những điểm mạnh của các bên trong chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0. "Đó là những điều chúng ta nên làm", ông Mỹ nhấn mạnh.
Từ quan điểm đó, ông Mỹ cho biết, trong 2 năm qua doanh nghiệp của ông đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ để canh tác lúa như máy bón phân thông minh, máy cấy vùi, máy phun phân bón vi sinh, máy sạ lúa vùi phân và phun vi sinh hay phao quan trắc môi trường dựa trên nền tảng kết nối Internet, và đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, đối với việc bón phân chỉ cần bón 1 lần/vụ và lượng phân giảm hơn 50% so với cách truyền thống; nước canh tác giảm hơn 30%; lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm hơn 50%, công lao động, khí thải nhà kính cũng giảm. "Nhờ đó, giúp giúp giảm tác động của ô nhiễm môi trường", ông nói.
Không dừng lại ở đó, theo ông Mỹ, doanh thu và thu nhập của người dân ổn định hơn, "Đặc biệt, người dân canh tác không cần ra đồng vì tất cả đều được kết nối và điều khiển qua thiết bị thông minh", ông cho biết và cho rằng đây là hướng đi cho ngành nông nghiệp, mà chính bản thân các hộ nông dân, các nhà sản xuất có thể tự thực hiện, thay vì chỉ tập trung vào việc vận động chính sách từ nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm): "Có thêm chính sách hỗ trợ đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch"
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm), đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Ngọc Hùng |
Diễn giả thứ tư phát biểu tại hội thảo là ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm). Ông Quang đã phân tích câu chuyện Đồng Tháp phát triển nông nghiệp sạch để giúp người nông dân sống tốt với nông nghiệp. Với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, nhiều chính sách đã được ban hành nhưng vẫn còn nhiều vấn đề người nông dân rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ mới, sản xuất nông nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ kỹ thuật canh tác như xuống giống, tưới, chăm sóc cho đến việc tổ chức quản lý, canh tác từ xa... Có thể nói, vấn đề tạo ra sản phẩm nông nghiệp không còn là vấn đề lớn đối với nông dân. Tuy nhiên, câu chuyện muôn thuở của nông dân là điệp khúc "được mùa mất giá", "giải cứu nông sản" với những vấn đề xoay quanh: chất lượng sản phẩm, bảo quản - chế biến sau thu hoạch, chuỗi giá trị nông sản, chi phí vận chuyển, thị trường tiêu thụ...
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp nông nghiệp sinh thái, Ecofarm cho rằng mục tiêu phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ, giúp đỡ nông dân làm kinh tế nông nghiệp luôn phải song hành cùng nhau.
Đơn cử, Đồng Tháp hiện đang có Làng hoa Sa Đéc, một địa điểm khá nổi tiếng ở ĐBSCL, tiếp đón du khách theo mùa. Câu hỏi đặt ra là vì sao Đà Lạt nổi tiếng về các giống hoa á nhiệt đới (hoa lạnh) lại có thể tiếp đón du khách quanh năm, cung cấp hoa đi mọi miền và thành phố Đà Lạt là 1 địa danh thu hút du khách về hoa mà Sa Đéc chỉ có một địa điểm mà không phải là một địa danh nổi tiếng về hoa nhiệt đới của ĐBSCL. Câu hỏi này đưa đến nhu cầu về phát triển một thương hiệu chung "Thành phố Hoa Sa Đéc", để du khách có thể đến quanh năm.
Thứ hai, Đồng Tháp có cù lao 5 xã - Cù lao Tây, một vùng đất rất thuận lợi để hữu cơ hóa mọi sản phẩm từ đây. Sự riêng lẻ, đơn độc của một vài hộ nông dân tâm huyết, tự phát làm nông nghiệp hữu cơ sẽ không giải quyết được bài toán Cù lao Tây, không thể biến nơi này thành một thương hiệu lớn về nông sản hữu cơ, thành một địa danh du lịch nông nghiệp hữu cơ... mà đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ nơi đây trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ - xu hướng tất yếu trong một vài năm tới.
Thứ ba, Đồng Tháp có cồn Tân Thuận Đông - với tiềm năng to lớn về phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Tương tự Cù lao Tây, cồn Tân Thuận Đông rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc nông nghiệp hữu cơ. Một điểm thuận lợi cơ bản là cồn Tân Thuận Đông nằm giữa hai thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh. Do đó, hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm du lịch nông nghiệp công nghệ cao và nông nghệ hữu cơ.
Từ ba câu chuyện nêu trên, Ecofarm muốn chia sẻ rằng với mỗi địa phương, mỗi vùng sinh thái đặc thù của Đồng Tháp cần có những ý tưởng, tư duy đột phá để giải quyết vấn đề tổng thể của nông dân trên cơ sở khai thác được tiềm năng riêng có của địa phương, của vùng để tạo nên sự khác biệt.
Theo ông Quang, để các ví dụ nêu trên trở thành hiện thực không thể một sớm một chiều, cũng không phải là đơn giản. Nó đòi hỏi sự kết hợp nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, nông dân, hiệp hội nghề nghiệp, ngân hàng... mà trước hết là sự đồng lòng, đồng thuận và cả sự hy sinh một số lợi ích kinh tế của người nông dân trong buổi đầu khởi phát.
Trước hết, cần tuyên truyền, vận động nông dân nhận thức đúng về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững; bản thân mỗi nông dân không thể tự làm thương hiệu được, mà phải liên kết, hợp lực trong sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu vùng.
Bên cạnh đó, chính quyền cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sạch hiệu quả hơn, có tính chất ràng buộc trách nhiệm hơn với người nông dân; cần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần điều chỉnh hợp lý hơn.
Về phía các đơn vị khoa học, công nghệ cần có những nghiên cứu thiết thực, hiệu quả cao đối với nông nghiệp và thị trường; cần có những dự báo sớm và chính xác về diễn biến: nhu cầu nông sản, giá, sản lượng cung cầu... Tránh để nông dân thực hiện sản xuất trong tình trạng "mù" thông tin.
Ông Phạm Minh Cường, đại diện Hội quán Nhân Tâm: "Sản xuất nông sản theo yêu cầu của các đối tác bao tiêu sản phẩm"
Ông Phạm Minh Cường, đại diện Hội quán Nhân Tâm, chia sẻ câu chuyện sản xuất nông sản theo yêu cầu của các đối tác bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Ngọc Hùng |
Đại diện cho Hội quán Nhân Tâm, ông Phạm Minh Cường, chia sẻ kinh nghiệm về việc hơn 30 thành viên định kỳ cùng nhau chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ để cùng nhau phát triển. "Các thành viên cùng ngồi lại trao đổi, chia sẻ thông tin, từ chuyện nhà, chuyện xóm làng để cùng nhau hiểu, thân nhau rồi cùng nhau hợp tác, liên kết sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm", ông Cường cho biết.
Từ sự liên kết cùng nhau, bước đầu hội quán đã liên kết được với Công ty VinEco trong việc tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Chanh Cao Lãnh. Nông sản sản xuất ra phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và được bán vào hệ thống siêu thị Vincom, Vinmart của Tập đoàn Vingroup với khối lượng bình quân 2 tấn/tuần. Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc đưa ra cách làm mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, đã có 19 thành viên tham gia mô hình sản xuất theo yêu cầu đối tác tiêu thụ của VinEco.
Nhằm tạo nhận nhận thức về sản xuất an toàn, hội quán đã phối hợp với chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm bảo vệ thực vật truyền thông về danh mục thuốc và tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn thực hành nông nghiệp tốt cho người dân.
Ông Ngô Văn Dỡ, đại diện Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương: "Mô hình Cây xoài nhà tôi"
Ông Ngô Văn Dỡ, đại diện Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương giới thiệu đến hội thảo hoạt động của mô hình "Cây xoài nhà tôi". Ảnh: Ngọc Hùng |
Ông Ngô Văn Dỡ, đại diện Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương giới thiệu đến hội thảo hoạt động của mô hình "Cây xoài nhà tôi". Hợp tác xã cho ra mắt mô hình này từ tháng 9-2016 với tiêu chí phi lợi nhuận, vì lợi ích cộng đồng. Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã bán ra tổng cộng 224 cây xoài các loại với số thành viên tham gia mô hình là 27 thành viên, với tổng số tiền thu được đem về cho thành viên trên 830 triệu đồng.
Sản lượng xoài trong mô hình "Cây xoài nhà tôi" đến nay đã thu hoạch và giao cho khách hàng đạt 14,2 tấn xoài. Điểm nổi bật của mô hình là bảo đảm lợi ích (thực tế) cho các thành viên, với mỗi cây xoài tham gia mô hình này thì nhà vườn có lợi nhuận ít nhất 10%. Trong thời gian thực hiện mô hình, đến nay đã có 32 đoàn khách đến tham quan "Cây xoài nhà tôi" để cùng thu hoạch và giao lưu với các nhà vườn.
Điểm nổi bật thứ hai là quảng bá thương hiệu, khi khách đến tham quan các vườn xoài sẽ chụp hình đăng mạng xã hội, giúp lan tỏa thông tin về mô hình vườn xoài. Đây là kênh quảng bá quan trọng mà nhà vườn cũng như hợp tác xã không cần tốn phí. Mô hình cũng đã góp phần tạo thương hiệu Xoài Cao Lãnh được nhiều người biết đến.
Thứ ba, phát triển du lịch cộng đồng khi khách đến tham quan vườn xoài xã Mỹ Xương được thưởng thức các món ăn ngon làm từ xoài cũng như tham gia các hoạt động giải trí như câu cá, hái rau, đổ bánh xèo...
Cuối cùng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất: nhà vườn thông qua khách hàng đã học hỏi nhiều về các mặt trong đó tìm hiểu được nhu cầu thực tế của khách hàng để cải thiện hơn dịch vụ của mình.
Hạn chế hiện nay của mô hình này xuất phát từ sự yếu kém về hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn nên việc đi lại, thông thương còn bị ảnh hưởng.
Giải pháp sắp tới để tiếp tục phát triển mô hình "Cây xoài nhà tôi", theo ông Dỡ, là việc phân công nhân sự trực tiếp tư vấn cho khách hàng việc bảo quản sản phẩm; vận động và hướng dẫn các nhà vườn tham gia mô hình áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách hàng; tổ chức lại khâu vận chuyển hàng hóa đối với khách hàng ở xa, có điểm giao dịch và phân phối ở các thành phố lớn; nâng cấp trang web để phục vụ tốt hơn việc sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, trong đó có mô hình "Cây xoài nhà tôi".
Ở góc nhìn của một cơ quan báo chí, ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn - đơn vị phối hợp cùng tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo, cho biết một trong những mục tiêu mà nhóm báo theo đuổi là thông qua các chương trình, hoạt động của mình để gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý.
"Thời báo Kinh tế Sài Gòn xin cam kết là nơi mà bất cứ lúc nào độc giả đều có thể đến để bày tỏ tâm tư hay muốn kết nối. Đối với ĐBSCL, chúng tôi cam kết luôn đồng hành vì sự phát triển của vùng, cụ thể là qua loạt hội thảo về chủ đề khởi nghiệp ở Cần Thơ, làm kinh tế nông nghiệp ở Đồng Tháp và sắp tới về tình hình bất động sản tại Kiên Giang", ông Hùng nói
Ông Trần Minh Hùng cảm ơn sự đồng hành của tỉnh và khẳng định hội thảo hôm nay là sự bắt đầu của chuỗi hoạt động hỗ trợ vùng ĐBSCL phát triển. "Tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ có thêm những hội thảo, tọa đàm về nhân lực, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hay thậm chí có thể là tổ chức đi thực địa cho doanh nghiệp tại địa phương".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: "Thay đổi tư duy mùa vụ trong nông dân, tư duy thương vụ trong doanh nghiệp"
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (giữa) phát biểu tổng kết hội nghị. Ảnh: Ngọc Hùng |
Tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, cho biết sau hội thảo hôm nay, Đồng Tháp sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình, dự án liên kết, các giải pháp tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi ngành hàng đã được trình bày, từ đó, tỉnh sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể. Các hoạt động tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, gia tăng tính liên kết, hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị ngành hàng. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, tạo động lực mới cho nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, hiệu quả.
Theo ông Hoan, điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay là người nông dân còn tư duy "mùa vụ", doanh nghiệp còn tư duy "thương vụ" còn các cấp chính quyền là tư duy "nhiệm kỳ". Để chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "làm kinh tế nông nghiệp" là một tiến trình lâu dài, cần có nhiều "ngọn đuốc" cháy sáng, khơi dậy tinh thần dũng cảm, làm nóng lên bầu nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân và ngay chính trong hệ thống chính trị.
Cuộc hội thảo đã góp phần đưa ra định hướng phát triển cho nông nghiệp Đồng Tháp trong tương lai, và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp hy vọng những "ngọn đuốc" sẽ tiếp tục được các bên, từ cấp quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đến nhà sản xuất, nông dân cùng gìn giữ, từ đó, tạo thêm ngày càng nhiều điểm sáng hơn nữa cho Đồng Tháp trong hành trình chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo TheSaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã