Vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có 1.624 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Trong đó, có nhiều HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có doanh thu từ 10 đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Nhiều HTX điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ thành viên, như: HTX nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (TP Hồ Chí Minh); HTX nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng); HTX chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công (Tiền Giang)...
Mô hình hợp tác xã kiểu mới giúp nông dân khởi nghiệp. |
HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh được xem là một mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu trong lĩnh vực trồng rau sạch tại thành phố. Các sản phẩm rau của HTX luôn có mặt tại hầu hết siêu thị TP Hồ Chí Minh như BigC, Coop Mart, Metro, Vinatex Mart, Bếp ăn tập thể của UBND huyện Bình Chánh...
Năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp HTX đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ 25,3ha. HTX cũng đã được cấp giấy chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” từ khâu sản xuất cho tới bàn ăn đối với tất cả sản phẩm của mình. Theo đại diện lãnh đạo HTX, để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đặt ra, HTX đã thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng, thành thạo về chuyên môn cây trồng, luân phiên đi kiểm tra đều đặn ở mỗi tổ trồng rau khác nhau; Đầu tư hệ thống máy đo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay các chất hóa học khác.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới kính có trang bị hệ thống phun tưới tự động và xử lý chất thải bên trong, giúp ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loại côn trùng gây hại, góp phần nâng cao năng suất, đồng thời tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn về nguồn nước tưới. Kiểm soát chặt chẽ việc các loại thuốc BVTV theo tiêu chuẩn 4 đúng: đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh.
Để bảo đảm mức thu nhập cao cho các hộ thành viên trong HTX, ngoài tiền lãi từ sản phẩm, cuối năm các thành viên sẽ được chia lãi lần 2, nhờ đó, các xã viên lại càng gắn bó với HTX hơn, tích cực, tự giác sản xuất sạch theo đúng quy trình đề ra.
Toàn vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có 5 liên hiệp HTX và trên 761 HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Quá trình chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, giúp các HTX nâng cao chất lượng hoạt động, liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện, ĐBSCL và Đông Nam bộ có trên 10% số HTX nông nghiệp thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình an toàn trong sản xuất; 9% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất,… góp phần gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên.
Một mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả. |
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều bất cập về quy định tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên không quá 20%; tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên của HTX không quá 32% đã tạo rào cản trong việc tập trung sản xuất hàng hóa lớn ở nhiều Hợp tác xã vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn các HTX có quy mô lớn chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; các HTX thiếu sự hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX; thiếu nguồn lực đầu tư cho việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm; chưa tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng, vốn tín dụng thúc đẩy HTX phát triển…
Để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững tại vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cán bộ ở các cấp chính quyền và người dân hiểu về ý nghĩa của việc phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường. Song song đó, tích cực vào cuộc giúp các HTX tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng quy mô hoạt động; tăng cường thực hiện liên kết giữa HTX với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; xây dựng và phát triển HTX kiểu mới nhằm phát huy thế mạnh và giá trị bản chất HTX, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên tham gia vào HTX.
Các địa phương cũng nên nghiên cứu, hỗ trợ các HTX có quy mô lớn trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây và thủy sản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp… để gia tăng và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của vùng.
Từ năm 2016, đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa” chính thức được triển khai thực hiện ở các tỉnh phía Nam. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, lợi ích của thành viên đồng thời phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tháng 3-2016, đề án chính thức triển khai thực hiện. Hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới mang lại đã khá rõ bởi trước đây, do người nông dân với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kỹ thuật, thiếu vốn nên nông dân thường bán nông sản thô, làm giảm giá trị sản phẩm.
Với mục tiêu giai đoạn 2017- 2018 tiến tới xây dựng mô hình HTX kiểu mới trên quy mô lớn, thành lập Liên hiệp HTX cấp vùng miền, trong thời gian tới Liên minh HTX khu vực phía Nam tiếp tục nâng cao vai trò của các chủ thể tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp HTX ổn định được đầu ra. Liên minh HTX sẽ hỗ trợ các HTX kiểu mới ứng dụng khoa học kỹ thuật đồng thời nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới tiên tiến.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã