Gánh nặng chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có khoảng 30.000 trang trại và 9 triệu hộ chăn nuôi, mỗi năm phát sinh khoảng 90 triệu tấn chất thải rắn (phân, lông, da); 50 triệu mét khối chất thải lỏng, nhưng mới có 60% được xử lý, còn lại đều xả trực tiếp ra môi trường. Chất thải của vật nuôi chứa nhiều chất độc hại như nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, asen… gây ô nhiễm trực tiếp cho không khí, đất, nước mặt, nước ngầm...
Chăn nuôi nhỏ lẻ đang làm gia tăng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hải Đăng
Những năm qua, Hà Nội đã quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm, xa khu dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 14,3% trang trại thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3,2% chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải.
Số còn lại có xử lý chất thải nhưng chủ yếu chỉ xây hầm biogas, ủ làm phân bón và một số ít sử dụng chế phẩm sinh học khác. Còn chăn nuôi nông hộ thì hầu như không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước.
Ông Nguyễn Viết Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn thừa nhận: Vấn đề chất thải chăn nuôi đang khiến địa phương hết sức đau đầu.
“Hầu hết các hộ đã được yêu cầu lắp đặt hệ thống biogas, tuy nhiên, do quy mô khá nhỏ nên một lượng lớn chất thải vẫn đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, kênh mương gây ô nhiêm làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân” - ông Thắng nói.
Theo ông Trần Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây), chăn nuôi quy mô lớn phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, nhưng do kinh phí đầu tư không nhỏ (khoảng 20 - 30 tỷ đồng) nên rất ít trang trại có khả năng làm được. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm vẫn "giẫm chân tại chỗ". Nếu không có giải pháp căn cơ về lâu dài, nguy cơ bùng phát ô nhiễm sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm qua, TP.Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện vẫn còn 20/386 xã chưa đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. |
Thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội cho thấy, đến nay toàn thành phố đã phát triển được 15 xã chăn nuôi bò sữa với 10.952 con, chiếm 73% tổng đàn bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt với 25.811 con, chiếm 20% tổng đàn bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 210.564 con/6.698 hộ, chiếm 15% tổng đàn lợn…
Việc phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư từng bước giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, ngay cả khi đã phát triển chăn nuôi tập trung, nỗi lo ô nhiễm vẫn hiện hữu do thói quen sản xuất còn tùy tiện của một số hộ.
Liên quan tới định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh: Hà Nội không khuyến khích chăn nuôi thương phẩm nhỏ lẻ. Thay vào đó, thành phố sẽ phát triển để trở thành trung tâm cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao của cả nước.
Theo ông Đăng, trong giai đoạn trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi liên kết.
"Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, đơn vị nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ngành chăn nuôi của Thủ đô" - ông Đăng khẳng định.
Tác giả bài viết: Hải Đăng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã