Từ chiếc tem trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có những thông tin xác thực về nguồn gốc sản phẩm qua chiếc điện thoại cầm tay.
Người tiêu dùng có thể có đủ thông tin cơ bản về sản phẩm chỉ với thao tác đơn giản trên điện thoại di động |
Theo bà Cao Thanh Huyền, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hải Phòng), từ năm 2016, trên cơ sở đề xuất của các huyện, Sở chọn 10 sản phẩm rau, củ, quả sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung để triển khai thí điểm “Chương trình Hỗ trợ sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn”. Đây là 10 sản phẩm đặc trưng của các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, do 2 doanh nghiệp và 8 HTX sản xuất. Trong đó có rau An Lão, dưa vàng Vĩnh Bảo, nếp Kiến Thụy, nấm, khoai tây, bí đỏ, măng tây Tiên Lãng…
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giúp thiết kế logo, túi đựng, bảo hộ thương hiệu, in tem truy xuất, tờ rơi, biển hiệu vùng sản xuất... cho 10 cơ sở trên. Qua chương trình hỗ trợ này, sẽ có hơn 1.500 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc rõ ràng được đưa ra thị trường thông qua các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau quả an toàn.
Để kích hoạt tem bán nông sản, các cơ sở sản xuất chỉ cần nhắn tin theo cú pháp có sẵn gửi đến tổng đài. Trên tem truy xuất có mã số tổng hợp lưu trữ tất cả các thông tin cơ bản về sản phẩm như: tên sản phẩm, hộ sản xuất, xứ đồng, ngày xuất bán... Với thao tác đơn giản trên điện thoại di động (không cần phải là điện thoại thông minh), người tiêu dùng có thể biết đầy đủ các thông tin này. Họ chỉ cần quét mã QR trên tem sản phẩm hoặc gửi tin nhắn/gọi về tổng đài hay tìm mã số sản phẩm trên website của chương trình.
Việc này đã giúp kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hai bên. Bên cạnh đó, sự kết nối, minh bạch thông tin giúp tăng giá trị nông sản. Đơn cử như trường hợp sản phẩm dưa vàng Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo). Mặc dù sản phẩm này có tiếng về mẫu mã và chất lượng nhưng tiêu thụ vẫn không ổn định do khó chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, bị thương lái trà trộn, lấy sản phẩm ở nơi khác “đội lốt” dưa Tân Hưng… Điều này khiến sản phẩm địa phương bị hạ giá. Nhưng nay tình hình đã khác.
Trưng bày sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc |
Đánh giá hiệu quả triển khai mô hình sản xuất an toàn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở NN-PTNT chỉ rõ, giá bán nhóm rau ăn lá tăng 1,62 lần, nhóm rau ăn quả, củ tăng 1,5 - 1,8 lần, gạo tăng 1,54 lần (tăng 10.000 đồng/kg)... Bên cạnh đó, sản phẩm còn chỉ rõ được địa chỉ sản xuất, chống trà trộn, mượn thương hiệu nông sản của địa phương khác để bán; xác định được đâu là sản phẩm thật, đâu là hàng giả, hàng nhái thương hiệu. Chương trình giúp các HTX, doanh nghiệp sản xuất khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra. Không những thế, tem truy xuất nguồn gốc góp phần hỗ trợ nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Phạm Huy Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, mặc dù chương trình mới đưa vào một vụ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, bà con rất phấn khởi. Tem truy xuất nguồn gốc giúp thể hiện tính an toàn và giá trị của quả dưa. Thực tế cho thấy, dưa sản xuất theo mô hình an toàn, có truy xuất nguồn gốc, giá bán tăng 1,8 lần (tăng 9.000 đồng/kg sản phẩm), đạt lãi thuần 458 triệu đồng/ha, cao hơn 200 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà. Hiện có thêm nhiều doanh nghiệp muốn liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa vàng của xã. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã