Ngày 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Tổng kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là 12.600 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 7.746 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3.403 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác 1.451 tỷ đồng.
Mục tiêu là n âng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ và chuyển nghề ....
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất.
Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND Cao Bằng cho biết, với đặc thù là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc đào tạo nghề cho người nông dân nhằm nâng cao thu nhập là việc rất khó khăn. Nguyên nhân là do phong tục tập quán của đồng bào, cơ sở vật chất thiếu, nhận thức và điều kiện phát triển sản xuất của người dân còn hạn chế, thiếu vốn...
Để thực hiện đào tạo nghề đạt hiệu quả thời gian tới, ông Thảo cho biết, Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch triển khai; trong đó có lựa chọn 27 ngành nghề phù hợp với địa bàn, tập trung vào: phát triển cây trồng vật nuôi có thế mạnh của địa phương gắn với công tác chế biến.
Cụ thể, gắn với tái cơ cấu để tăng giá trị cũng như hình thành vùng sản xuất hàng hóa; gắn với các doanh nghiệp và Hợp tác xã trên địa bàn cũng như vận động ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo cho người nông dân trên cơ sở phát triển sản xuất của doanh nghiệp...
Năm 2016, Cao Bằng đã đào tạo hơn 1.000 lao động và dự kiến 2017 - 2020, mỗi năm phấn đấu trên 4.000 lao động.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2016, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã khắc phục được tình trạng "đánh trống ghi tên" đã từng xảy ra thời gian qua. Các địa phương đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đào tạo nghề, và có chuyển biến tích cực.
Trong 7 năm (2010 - 2016), đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề; trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%.
Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững ./.
Theo Khánh An/BNEWS/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã