Người đầu tiên được chứng nhận VietGAP ở Hà Nội
Ở địa phương, ít người gọi anh Hiệu là giám đốc Hiệu hay Trần Văn Hiệu như họ tên của anh. Họ thích gọi anh là Hiệu “gà”. Bản thân anh Hiệu cũng thấy cách gọi này… hay hay, bởi như lời tâm sự của anh thì: “Tôi thực sự đam mê với nghề nuôi gà. Khi mới khởi nghiệp, có lúc gặp khó khăn, gia đình, bạn bè cũng khuyên chuyển sang mô hình khác, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi vẫn quyết định sẽ gắn bó với nghề nuôi gà”.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển chăn nuôi Hòa Phát mà anh Hiệu làm giám đốc, hầu như chẳng có sự phân biệt giữa lãnh đạo với nhân công. Cứ có việc là tất cả cùng xắn tay vào làm. Hiện tại, công ty của anh Hiệu đang nuôi hơn 5 vạn con gà, trong đó có 1 vạn gà giống bố mẹ được nhập từ Pháp. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại nhập gà giống bố mẹ, anh Hiệu cho biết: “Giống gà Pháp có chất lượng tốt hơn hẳn gà trong nước về thể trạng, đặc biệt là đẻ trứng rất khỏe”. Không chỉ nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, trang trại gà của anh Hiệu còn cung cấp cả gà giống, gà thịt.
Anh Trần Văn Hiệu luôn xắn tay áo làm việc cùng mọi người tại trang trại nuôi gà của mình.
Thực tế, trong nhiều năm trời, anh Hiệu chỉ thuần túy làm trang trại gà. Mãi đến tháng 2.2014, anh mới quyết định thành lập công ty. Giải thích về quyết định này, anh Hiệu nói: “Khi công việc thuận lợi, tôi có nhiều đối tác là doanh nghiệp nên cũng cần con dấu để giao dịch cho bảo đảm”. Nói không ngoa, mô hình nuôi gà của anh Hiệu thực sự ấn tượng. Với quy mô lớn nên chuồng trại của công ty được xây dựng rất khang trang, có thiết bị thông gió, hệ thống cho gà ăn, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh được đầu tư bài bản.
Đặc biệt, trang trại nuôi gà của anh Hiệu là trang trại đầu tiên ở Hà Nội được nhận chứng chỉ chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở NNPTNT Hà Nội cấp. Chia sẻ về vinh dự này, anh Hiệu bộc bạch: “Tôi rất tự hào về điều này. Đây cũng là động lực để tôi nỗ lực nhiều hơn nữa, nhằm cung cấp các sản phẩm cho chất lượng tốt nhất tới đối tác cũng như thị trường”. Hiện tại, công ty của anh Hiệu có doanh thu đạt 17-18 tỷ đồng, công nhân gần 20 người có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng trở lên.
Quan trọng nhất là niềm tin
Để có được thành công hiện tại, từ chủ trang trại tới giám đốc công ty, anh Hiệu cũng đã trải qua không ít khó khăn. Ngay khi khởi nghiệp vào năm 1991, vay được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) 2 triệu đồng, anh đầu tư kinh phí nuôi gà đẻ trứng thương phẩm thì lập tức vấp phải thử thách lớn.
Gà liên tục bị mắc bệnh, còn trứng thì xếp thành từng đống khi không có đầu ra, chưa kể giá trên thị trường xuống rất thấp. Những ngày này cũng là lúc anh Hiệu mất ăn, mất ngủ. Thua keo này thì bày keo khác, anh lại tiếp tục đầu tư vào nuôi gà. Nhưng vẫn như trước đó, gà vẫn bị bệnh, trứng vẫn rớt giá. Chính vì thất bại nhiều nên anh nhận được nhiều lời khuyên nên chuyển đổi mô hình khác. “Nhưng cũng chính từ thất bại ban đầu, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi càng quyết tâm nhiều hơn để chinh phục khó khăn”, anh Hiệu bộc bạch.
Anh Hiệu “gà” dự định sẽ mở rộng mô hình của trang trại nuôi gà.
Nghĩ là làm, anh Hiệu chịu khó tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều trang trại gà khác, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm vững phương pháp nuôi gà. Bên cạnh đó, anh cũng mạnh dạn vay vốn của Agribank để mở rộng mô hình làm ăn. Năm 2003, trang trại gà của anh Hiệu đã có hàng nghìn con gà với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Để đảm bảo đầu ra, anh liên kết với các đại lý trên toàn quốc. Với uy tín từ cách làm hiệu quả, sản phẩm của anh Hiệu được đánh giá cao và tiêu thụ rất đều đặn. Nói về bí quyết của mình, anh Hiệu cho biết: “Bí quyết đơn giản chỉ là sự chăm chỉ, quyết tâm và tinh thần chịu khó học hỏi. Trải qua nhiều thất bại nên tôi hiểu rõ điều này. May mắn là điều ai cũng cần, nhưng cốt lõi vẫn là sự nỗ lực của bản thân”.
Nói được, làm được, từ khi chưa mở công ty, trang trại gà của anh Hiệu đã rất có tiếng, được nhiều người tới tham quan, học hỏi cách làm. Với bất cứ ai, anh Hiệu cũng không ngần ngại chia sẻ, trao đổi kỹ lưỡng về kinh nghiệm của mình. “Làm giàu không khó, khó nhất là phải kiên trì” là điều được anh Hiệu truyền đạt tới những ai muốn mở trang trại nuôi gà như anh. Bên cạnh đó, khó khăn nhất với người nuôi gà là dịch bệnh dẫn tới việc không bán được sản phẩm. Vì thế, anh Hiệu luôn chú trọng vào việc phòng bệnh khi áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại với lịch tiêm phòng chi tiết.
Trước khi chia tay chúng tôi, anh Hiệu “gà” trao đổi thêm: “Với người nuôi gà chúng tôi, nếu chỉ làm với tính chất tự phát, chưa tích lũy kiến thức đầy đủ thì khả năng thất bại rất cao. Ngoài việc được hỗ trợ vay vốn làm ăn, người nuôi gà như tôi còn phải có sự tỉ mỉ, chuyên sâu về nghề và luôn tìm hiểu những kiến thức mới nhất. Làm được như thế thì dù có khó khăn ở một số thời điểm nào đó nhưng cuối cùng sẽ vượt qua hết”.
Trong thời gian tới, anh Hiệu “gà” dự định sẽ mở rộng mô hình của trang trại nuôi gà để nhập thêm 2 vạn gà bố mẹ từ Pháp. “Tuy giá nhập gà giống này đắt gấp 10 lần gà trong nước (160 nghìn/con 1 ngày tuổi), nhưng thể trạng gà rất tốt và bảo đảm chất lượng, rất được đối tác và người tiêu dùng ưa chuộng nên tôi quyết định chọn gà giống này”, anh Hiệu cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã