Cá hô là đối tượng dễ nuôi, đạt hiệu quả kinh tế khá cao, trung bình lãi 140 triệu/500m2/500 con. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Để từng bước hình thành các quy trình kỹ thuật nuôi một số đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế và hiệu quả cao nhằm góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi cá hô thương phẩm ở một số địa phương trong tỉnh.
Mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao và sử dụng thức ăn công nghiệp của Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang được triển khai 4 điểm ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành và U Minh Thượng từ tháng 4/2016; mỗi điểm có 500 m2, mật độ cá giống thả nuôi 1 con/m2 mặt nước.
Mô hình này được Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền mua cá giống, 30% tiền chi phí thức ăn và vật tư thiết yếu; đồng thời được tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi để nông dân ở địa phương thực hiện mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao thành công và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Lan Thanh, Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang, qua các điểm nuôi kết quả ban đầu cho thấy, cá hô là đối tượng dễ nuôi, khả năng thích nghi rộng và tăng trưởng nhanh, đạt hiệu quả kinh tế khá cao, trung bình lãi 140 triệu/500m2/500 con.
Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Kiên Giang Phù Khí Nguyên cho biết, nhờ áp dụng tốt quy trình nuôi cá hô thương phẩm trong ao từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn giống tốt, thả giống với mật độ thích hợp, đầu tư thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của cá và chăm sóc quản lý tốt, nên cá hô nuôi trong ao ban đầu mau lớn và không có hiện tượng xảy ra dịch bệnh, có tỷ lệ sống cao trên 75%.
Sau 18 tháng thả nuôi, đạt trọng lượng bình quân trên 2 kg/con và sản lượng đạt hơn 1.000 kg; với giá bán cá hô thương phẩm trên thị trường hiện nay là 200.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư thì mô hình này cho lợi nhuận trên 140 triệu đồng.
Ông Vi Nhựt Quang, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp cho biết, qua mô hình nuôi cá hô trong ao cho thức ăn công nghiệp bước đầu cho hiệu quả khá cao. Qua quá trình thả nuôi, cá ít bị bệnh, sau 18 tháng trung bình mỗi con cân nặng từ 2,3 - 2,4 kg/con; sau khi trừ chi phí, gia đình ông Quang còn lãi trên 150 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao, tháng 7/2017, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục triển khai mô hình này ở nhiều xã trong huyện Giồng Riềng với 500 m2 và hiện tại cá đang phát triển tốt.
Kỹ sư Nguyễn Thị Lan Thanh khuyến cáo, khâu chuẩn bị ao cần vệ sinh cải tạo ao tốt; có rào chắn lưới quanh ao để không cho cá tạp vào ao làm ảnh hưởng thức ăn cũng như phát triển của cá; chọn con giống phải rõ nguồn gốc, có chất lượng cao, đồng đều, thức ăn phải đủ lượng và chất, điều chỉnh thức ăn phù hợp.
Đối với mô hình nuôi mật độ cao với 1 con/m2, sau khi cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con cần tăng cường hệ thống ô xy dưới đáy để giúp cá tăng trưởng tốt hơn.
Mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao và cho thức ăn công nghiệp thành công bước đầu ở một số huyện trong tỉnh Kiên Giang sẽ giúp nhà nông có thêm đối tượng nuôi mới trong phong trào phát triển nuôi trồng thủy sản.
Mô hình này đang được ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương nhân rộng trong thời gian tới nhằm góp phần làm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi giúp nông dân có thêm việc làm và tăng thu nhập./.
Lê Sen/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã