Theo đó, Dự thảo nghị định một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đưa ra có nhiều chính sách đầu tư, phục vụ hoạt động thủy sản như: đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng, xây dựng hạ tầng thiết yếu đối với các tuyến đảo, xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung …
Đặc biệt, Dự thảo lần này tập trung vào chính sách hỗ trợ gói tín dụng đóng mới tàu vỏ thép, gia cố các loại tàu vỏ gỗ. Theo đó, đối với các tàu khai thác hải sản xa bờ, trường hợp đóng mới vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, bao gồm cả ngư lưới cụ với lãi suất 5%/năm. Chủ tàu trả 2%/năm lãi suất tiền vay và ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 3%/năm. Đối với chủ tàu đóng mới vỏ gỗ, số tiền được vay chiếm 85% tổng giá trị, lãi suất 5%/năm. Chủ tàu sẽ được nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm.
Có tàu vỏ sắt (ảnh: tàu vỏ thép lưới vây), ngư dân sẽ đánh bắt dài ngày, bảo quản thủy sản tốt hơn
Đối với các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay vốn thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất ưu đãi 5%/năm. Trong đó, chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm lãi suất, 4%/năm còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại. Các tàu hậu cần đóng mới vỏ gỗ cũng sẽ được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư với cùng lãi suất 5%/năm và chỉ phải trả 2% lãi suất/năm. Các ngư dân được vay vốn hưởng lãi suất ưu đãi trong 10 năm và 1 năm ân hạn không tính lãi suất.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng Nghị định sẽ là bước ngoặt thúc đẩy kinh tế thủy sản phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng do ngư dân nước ta chưa quen sử dụng tàu vỏ thép. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhận định, ngư dân ta đánh bắt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền đời, chậm tiếp thu các phương thức đánh bắt tiên tiến, hiện đại. Theo thống kê hiện nay, vẫn còn đến 50% thuyền trưởng chưa qua trường lớp đào tạo. Ngoài ra, theo ông Tương, mỗi tỉnh có 1 đặc trưng riêng phù hợp với tập quán đánh bắt địa phương.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng ở từng địa phương, mỗi ngành nghề đánh bắt thủy sản cũng có đặc điểm riêng. Do vậy, tàu vỏ thép phải được thiết kế phù hợp với từng địa phương, từng ngành nghề chứ không làm ồ ạt theo mẫu chung.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đóng tàu vỏ thép sẽ giúp ngư dân bám biển dài ngày, chất lượng thủy sản được bảo quản tốt hơn.
Ông Hà Sơn Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu cho biết, tàu vỏ sắt sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại giúp ngư dân bảo quản thủy sản hơn 1 tháng. Tàu vỏ thép cũng di chuyển nhanh hơn, trang bị thiết bị hàng hải hiện đại nên sẽ tránh được va chạm trên biển, đặc biệt là vào ban đêm. Ông Hải cũng đề nghị cần liên kết 4 “nhà” gồm: nhà băng, nhà máy đóng tàu, nhà doanh nghiệp và ngư dân thành một quá trình khép kín từ vay vốn, đóng tàu, khai thác và tiêu thụ để đạt hiệu quả cao trong đánh bắt thủy sản.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đây là một chương trình mang tầm chiến lược, vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản, phát triển kinh tế, ổn định sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng nghiên cứu, phối hợp để tránh xảy ra sai sót khi thực hiện chương trình. Ngư dân được tiếp cận vốn phải là người làm ăn hiệu quả, sản xuất thu được lợi nhuận. Người vay vốn quyết định việc chọn mẫu mã, cơ sở đóng tàu và trang thiết bị đánh bắt trên tàu.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thường xuyên nghiên cứu ngư trường, nguồn lợi thủy sản để xây dựng quy hoạch đóng tàu vỏ thép có hiệu quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã