|
Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa cánh đồng Venezuela |
Ngày 31/8/2015 nhân chuyến thăm của Tổng thống Venezuela ông Maduro, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Venezuela về các dự án hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2015-2018 được ký kết, mở ra chương trình hợp tác nông nghiệp giữa hai nước nhằm giúp Venezuela đảm bảo an ninh lương thực.
Đến nay dù phía bạn kinh tế rất khó khăn, dự án thủy sản mới được cấp 8,5% kinh phí (1,11/13.04 triệu USD), dự án lúa mới được cấp khoảng 15% kinh phí (2,09/14,08 triệu USD) nhưng tất cả đều đã thực hiện hết sức có thể và thành công vượt dự kiến.
Cảm xúc dâng trào trong tôi khi được đứng giữa biển lúa vàng của huyện lị Calabozo thuộc bang Guarico mà ngắm cờ đỏ sao vàng của Việt Nam rồi cờ ba màu tám ngôi sao trắng của Venezuela phần phật bay trong gió.
Buổi thăm đồng hôm đó có đại sứ Cu Ba, đại sứ Việt Nam ở Venezuela, có ông José-Thống đốc bang Guarico, đại tá Valero-tư lệnh quân sự bang Guarico. Những ánh mắt thán phục, những lời ngợi ca “Trên thế giới này, không ai hơn chuyên gia Việt Nam về sản xuất lúa nước”.
Anh Lê Quốc Thanh-Giám đốc dự án lúa (áo xám, ở giữa) bên thống đốc bang Guarico (áo vàng) |
Kỹ thuật Việt Nam hòa trộn với điều kiện tự nhiên, xã hội ở Venezuela nhuần nhuyễn hiện ra thành quả là thảm lúa vàng khổng lồ rộng tới gần 100 ha. Tên 3 giống lúa triển vọng nhất đều được bắt đầu bằng chữ Vive viết tắt của Việt Nam và Venezuela.
“Không thể tin nổi” là cụm từ mà ông Ét Ga-1 trong 13 doanh nghiệp nông nghiệp điển hình nhất thế kỷ 21 của Venezuela thốt lên.
Trước đó, ông từng 3 lần ra thăm đoàn chuyên gia Việt Nam lần nào cũng chân thành khuyên không nên làm dự án này bởi quá nhiều khó khăn.
Kể làm sao cho hết những ngày tháng ban đầu bơ vơ giữa quê người, nhà cửa chưa thuê được, thực phẩm đắt đỏ vì đồng tiền trượt giá hàng ngày nên chẳng mấy khi có. Kham khổ khiến cho ai cũng sút 5-7 kg, tổng cộng cả đoàn chuyên gia bị sụt đến gần 1 tạ thịt.
Ông Hoàng Tuấn Hiệp-Trưởng đoàn khi ấy còn chụp ảnh bữa ăn của chuyên gia Việt Nam chỉ toàn là cơm trắng đem cho ông Đào Thành Chung-đại sứ Việt Nam tại Venezuela xem và được hỗ trợ khẩn một xe thực phẩm chở gấp từ thủ đô Caracas về. Ai nhận cũng rưng rưng nước mắt.
Máy gặt được sơn chữ tên cố tổng thống Hugo Chavez đang gặt lúa trên cánh đồng lúa do chuyên gia Việt Nam hướng dẫn |
Giờ đoàn chuyên gia đã thuê được nhà, đã bố trí được sản xuất theo kiểu Việt Nam tự trồng rau, tự nuôi gà nhưng cuộc sống vẫn có nhiều kham khổ.
Lúc chúng tôi sang, chai nước mắm cuối cùng của đoàn còn lại độ 1 đốt ngón tay, được mọi người dùng dè sẻn bằng cách mỗi bữa lấy ra 1-2 giọt nhỏ vào bát nước muối để chấm cho đỡ nhớ quê nhà. Bởi thế, hai chai nước mắm chúng tôi mang theo là món quà được trân quý vô cùng. Trước đó, ông Phạm Xuân Liêm-Trưởng đoàn còn cẩn thận mang theo một hũ sữa chua đựng mẻ sang gây giống để sau mỗi bữa làm đồng về vẫn có bát canh riêu cua, riêu cá nấu hệt theo khẩu vị Việt.
Phút giải lao trên cánh đồng Venezuela của các chuyên gia Việt Nam (1, 2 và 4 từ trái qua) cùng người dân bản địa. |
Đất đai ở Venezuela nói chung là tốt, khí hậu ôn hòa nên chỉ cần vãi hạt giống ra rồi đợi vài tháng là có thể thu hoạch. Nhưng đó là với cây trồng cạn còn với lúa nước thì không bởi có rất nhiều cỏ, loại hòa thảo 1 lá mầm, loại 2 lá mầm, loại nhỏ như cây mạ, loại to như lau sậy, loại sống trên cạn, loại sống dưới nước như bèo nhưng khó trị nhất phải kể đến rô li tồ.
Trong 1 bông cỏ rô li tồ rụng xuống có 2 loại hạt, 1 loại ngủ nghỉ 2-3 ngày là mọc, 1 loại ngủ nghỉ đến vài tháng, vài năm, chúng nằm sâu trong đất, đến khi cày lật lên gặp ánh sáng mới chịu bật mầm. Rô li tồ sức sống bền bỉ, phát triển rất nhanh, cạnh tranh dinh dưỡng khốc liệt với lúa.
Nhà nước kiểm soát hầu hết các vật tư, nếu lấy vật tư của nhà nước thì phải bán lại sản phẩm theo giá quy định, thường là rất rẻ. Có khoảng 25 mặt hàng thiết yếu được nhà nước định giá như vậy ở Venezuela nên nhiều lúc cả thủ đô Caracas nháo nhào lên vì 20 ngày liền không mua được trứng bởi rẻ quá nên nông dân không chịu xuất bán. Những ai tự lo được vật tư ngoài thị trường tự do thì có thể bán sản phẩm ra ngoài. Kẻ nào nhập nhèm dùng vật tư của nhà nước mà lại đem bán ra thị trường chợ đen hoặc không thực hiện trả bằng sản phẩm để quân đội, cảnh sát vào cuộc là đi tù hàng loạt. |
Cỏ tầng tầng lớp lớp vì bỏ hoang nhiều năm, nay vỡ đất cày xới, dẫn nước vào hạt cỏ nằm sâu bên dưới bỗng nổi lên kết thành bè phải vớt thủ công. Thiếu dụng cụ chuyên gia Việt Nam còn sáng tạo tháo cả lồng quạt, chặt que buộc vào làm vợt để vớt hạt cỏ.
Hết cỏ dại lại đến nạn động vật phá hoại. Anh Bùi Văn Bính từ lúc sang đây bỗng trở thành một “Võ Tòng” trong mắt của người dân Venezuela không chỉ biết móc những con cua đồng to như con ghẹ biển từ trong hang, biết bắt những con lươn đồng nặng từ 7 lạng-1kg ẩn sâu dưới bùn mà còn biết hàng trăn dữ, trị cả cá sấu.
Thiên nhiên hoang dã đến mức trăn, cá sấu nằm nhông nhốc ngay trong mương máng, chim trời bay kín như những đám mây khiến cho dân bản địa phải dùng đủ cách từ đốt dầu thắp sáng đến súng phun ga, pháo thăng thiên để tạo tiếng động xua đuổi.
Lần đầu chim bay đi, lần hai chim chỉ giật mình, con đậu con bay, lần ba thì điềm nhiên phá lúa tiếp. Mỗi lần nhìn thấy đàn vịt trời cả ngàn con bay ngang qua ruộng, anh Bính đều lém lỉnh bảo rằng: “Này chúng mày ơi, cả ngàn bát tiết canh biết bay kia kìa”.
Lúc mới sang, cả cánh đồng mênh mông chỉ có một máy bơm hoạt động, không một hạt phân bón, không một lít thuốc trừ sâu, không một lọ thuốc trừ cỏ. Chỉ có ý chí của Việt Nam mới có thể vững vàng giữa cơn giông bão khiến cho ông Ét Ga-1 trong 13 doanh nghiệp nông nghiệp điển hình nhất thế kỷ 21 của Venezuela phải khâm phục mà mua giúp cho 40 tấn phân bón bằng cách huy động mọi mối quan hệ, kể cả người trong quân đội.
Ngoài ra đoàn chuyên gia phải mua gom thêm một số vật tư ở thị trường tự do, trong đó nhiều loại đã quá hạn nhưng có mà mua đã là tốt lắm rồi.
Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước công trình thủy lợi khổng lồ có sức chứa cả triệu m3 nước vô cùng kiên cố, hiện đại của bang Guarico với tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Trước đây Venezuela từng là một trong những nước hùng mạnh về nông nghiệp, có tên có tuổi trên bản đồ xuất khẩu nông sản của thế giới nhưng kể từ khi bị hút vào mãnh lực của dầu khí, đã bỏ bê tất cả.
Cả bãi máy của Công ty quản lý thủy lợi XHCN Rio Guarico toàn những máy móc khổng lồ của tư bản, máy ủi một đầu cào một đầu gạt, máy xúc, máy múc trang bị cả định vị vệ tinh, máy gặt có guồng công tác rộng tới hơn 4m mỗi giờ gặt được vài ha.
Nhiều cái trong số chúng trị giá hàng vài tỉ đồng tiền Việt nhưng bị vứt mặc cho mưa nắng, trông rất mới nhưng đã hỏng, dù là chỉ hư một bộ côn.
Những máy móc chưa được sử dụng nhiều nhưng đã thành... phế liệu |
Đó là số máy móc do nhà nước đầu tư hồi kinh tế còn đương thịnh vượng. Tôi nhẩm tính dù có được mùa cả cả 10 năm liên tiếp số thóc đem bán đi chưa chắc đã đủ để mua đám máy móc đang dầm mưa, dãi nắng này.
Một vài người còn bảo tôi rằng trước đó bãi máy móc hỏng còn lớn hơn thế rất nhiều nhưng để chuẩn bị cho hôm hội nghị đã được cẩu bớt đi.
Nhiều máy bơm nhưng chỉ có 1 hoạt động, chục máy cày nhưng không cái nào nhúc nhích nổi.Tiếc của trời, các chuyên gia Việt Nam đã đặt hàng từ trong nước gửi vật tư sang để sửa chữa cho bạn nhưng hễ sửa được cái này thì cái kia lại hỏng nên đành thôi.
Bãi máy của cty thủy lợi Guarico |
Chị Maria-Giám đốc của Cty trước đó cũng là Viện trưởng của Viện Khoa học Nông nghiệp INIA Guarico. Chỉ chừng 4-5 tháng nay mà đơn vị này thay đổi tới 3-4 đời Viện trưởng. Thay nhiều đến nỗi khi đoàn chuyên gia Việt Nam trình văn bản xin gặp lãnh đạo chưa được hồi đáp thì sau đó đã thấy một người hoàn toàn mới lên thay. Lương bổng khó khăn, nhiệm vụ nặng nề nên ai nấy được cất nhắc vào “ghế nóng” đều xin rút.
Bởi vì lương quá thấp, trung bình chỉ 15 USD/tháng nên đội ngũ bác sĩ, giáo viên, cảnh sát là những người bỏ việc nhiều nhất, một số nơi bỏ đến mức trống cả đồn, cả trường, cả bệnh viện. |
Ngay cả Cty Thủy lợi Guarico dù có cố gắng của chị Maria cũng chỉ là một “công ty xác ướp” không hơn không kém vì hầu như chẳng có hoạt động gì.
Đám máy móc phần sống thì ít, phần chết thì nhiều nằm ngổn ngang khắp chốn, thỉnh thoảng lại được tháo tung ra, lục tìm lấy vài linh kiện để đắp từ cái nọ sang cái kia. Thiếu đến nỗi ngay cả giấy in, bao tải đựng thóc hay pano chuẩn bị cho cuộc hội nghị đầu bờ cũng phải gửi từ Việt Nam sang.
Đám cán bộ, lao động của cty không có đủ tiền trả lương mà trả trong khi mọi thứ đều tăng giá thì tiền lương lại giảm thậm chí có khi còn bị nợ. Với mức lương cơ bản chỉ khoảng 10 USD/tháng họ dù có đến cơ quan đi chăng nữa cũng chỉ dăm ba tiếng một ngày để túm năm, tụm ba trò chuyện đợi hết giờ rồi lại ra về. Nếu không có dự án hợp tác với Việt Nam thì có lẽ cty cũng chẳng có diện tích trồng lúa nào mà để hoang hóa hết.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã