Sự kiện Uber chính thức rời khỏi thị trường Đông Nam Á, trong đó gồm cả Việt Nam hồi tháng 4 năm nay tuy được nhiều chuyên gia và doanh nhân đánh giá là sự khôn ngoan của Uber khi việc “rút chân” này đổi lại 27,5% cổ phần của Grab, nhưng cũng gây ra nhiều tiếc nuối với những khách hàng yêu thích dịch vụ của Uber.
Thương vụ trên là khó tránh khỏi, bởi cùng là những start-up với ứng dụng gọi xe, nhưng cách phát triển của Uber và Grab tại thị trường Đông Nam Á có sự khác biệt.
Doanh nhân Nguyễn Đình Tú ngồi ở vị trí CEO tuần này |
Uber tiến vào thị trường Đông Nam Á năm 2013 với hình thức đơn thuần chỉ là chuyển mô hình kinh doanh đang hoạt động ở Hoa Kỳ đến với Đông Nam Á. Mô hình hoạt động tốt ở Hoa Kỳ có khi lại không tốt như mong muốn tại các nước Đông Nam Á - nơi có nền văn hóa đa dạng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thanh toán cũng khác nhau.
Ví dụ, người dùng tại khu vực này vẫn quen dùng tiền mặt thanh toán, thì việc chỉ thanh toán thẻ như mô hình ban đầu của Uber là một hạn chế lớn. Trong khi đó, Grab ngay từ đầu đã cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ, tiền mặt và tiền điện tử… Hay cách Grab ban đầu tập trung phát triển dịch vụ vận chuyển bằng xe máy cũng phù hợp hơn với hạ tầng giao thông tại Đông Nam Á.
Có thể nói, Grab đã chiến thắng nhờ chiến lược được hoạch định tốt, chiến thuật linh hoạt, hiểu biết về tâm lý, môi trường, chính trị của vùng… Điều đó cho thấy, không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà ngay cả các start-up cũng cần sớm hoạch định chiến lược để có thể đảm bảo tương lai thành công.
Tuy vậy, các start-up thường khá dè dặt với vấn đề này, bởi nhiều nguyên nhân. Câu chuyện về một doanh nghiệp khởi nghiệp dưới đây là một ví dụ.
Sau gần 2 năm hoạt động với sản phẩm là Diet Food Online (các loại salad ăn kiêng dành cho người muốn giảm cân), doanh nghiệp đã có thị trường ổn định, cung cấp cho nhiều tòa nhà văn phòng. Công ty cũng đã xây dựng được nguồn rau và thực phẩm sạch, đã có bộ nhận diện thương hiệu (mẫu mã, bao bì), website, kênh bán hàng online và đối tác giao hàng tin cậy, đảm bảo.
Nhận thấy cơ hội phát triển đã trở nên rõ ràng, những người đồng sáng lập (Co-Founder) cho rằng, doanh nghiệp cần phải tăng tốc, nhanh chóng chớp cơ hội để thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, người sáng lập, kiêm CEO của doanh nghiệp không đồng tình với quan điểm này và cho rằng, doanh nghiệp trước khi mở rộng cần phải hoạch định đường xa, xây dựng bài bản còn lường trước được các rủi ro trong quá trình mở rộng, phát triển.
Theo CEO, doanh nghiệp cần khảo sát thực tế, từ đó có thể phân tích khẩu vị, nhu cầu, khu vực, chiến lược cạnh tranh dựa trên yếu tố nào. “Có sự phân tích đó mới xác định được việc có nên phát triển sản phẩm mới hay đẩy mạnh sản phẩm đang có, có nên đầu tư mở rộng sản xuất hay không”, CEO nói.
Các đồng sáng lập phản đối ý kiến của CEO vì cho rằng, sản phẩm đã được khẳng định, nguồn cung ứng, nguyên liệu và kênh phân phối đều đã có, do vậy chỉ cần đầu tư mở rộng.
“Mọi thứ CEO nói chỉ là lý thuyết, còn cái quan trọng là tiền, thời gian và cơ hội. Còn chiến lược bài bản nên dành cho các ông to. Khảo sát sẽ phải cần người, xây dựng kế hoạch cần người, nên khi nào có nhiều tiền rồi sẽ nghiên cứu bài bản. Còn bây giờ, phải nhanh chóng để nắm bắt cơ hội”, một đồng sáng lập lên tiếng.
Lập luận của các đồng sáng lập vẫn không thuyết phục được CEO. CEO cho rằng, nếu không có cơ sở hoạch định vững chắc ngay từ đầu thì rất dễ bị công ty khác sao chép mô hình, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của người đi đầu, thậm chí có thể mất thị trường.
Đâu là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp. Đây có lẽ là một tình huống khó mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này đặt ra ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH NT INDEC. CEO Nguyễn Đình Tú sẽ phải thuyết phục thế nào để có được sự đồng thuận của các đồng sáng lập. Câu trả lời sẽ có trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này với chủ đề “Khởi nghiệp - Hoạch định đường xa”.
Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (15/7) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (16/7) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã