Theo báo Dân Việt, thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Lìn ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đang huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm hàng chục nhân công đến để thu hoạch nốt diện tích nhãn lồng còn lại của vườn.
"Hiện thương lái đang đổ về nhiều, giá nhãn tăng hơn nhiều so với trước nên chúng tôi tranh thủ thuê người chảy (thu hái) hết diện tích nhãn còn lại của gia đình để dọn vườn và chăm sóc cây cho kịp thời vụ", ông Lìn nói.
Ông Lìn cho biết, hiện gia đình ông đang bán nhãn Miền Thiết cho thương lái với giá 13.000 đồng/kg, tính ra vẫn thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng khi hoạch toán chi phí đầu vào, chủ vườn vẫn có lãi khoảng trên dưới 2.000 đồng/kg.
"Với 8 sào nhãn, gia đình tôi thu về gần chục tấn sản phẩm. Năm nay giá nhãn thấp nhưng được cái người mua nhiều, bà con có bao nhiêu nhãn đều bán hết nên mọi người cũng phấn khởi", ông Lìn chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Oai - Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho biết, tính đến ngày 8/9, người dân toàn xã đã thu hoạch được khoảng trên 80% diện tích, diện tích còn lại sẽ được thu hoạch hết trong khoảng 10 ngày tới.
"Hiện, người trồng nhãn ở Khoái Châu đang bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng, hiện giá nhãn cũng đã tăng lên đáng kể khoảng từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, tùy loại. Trong đó giống nhãn Miền Thiết có quả to, đẹp được lái buôn thu mua với giá khoảng 13.000 đồng/kg, giống nhãn siêu ngọt có giá khoảng 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá nhãn năm nay thấp hơn nhưng người dân vẫn có lãi nên bà con cũng phấn khởi", ông Oai chia sẻ.
Theo báo Dân Trí, nhãn ở vùng Khoái Châu bà con thường trồng là nhãn Miền, gọi là nhãn Miền vì theo chị Lê Thị Hồng Ngọc (Khoái Châu, Hưng Yên) là gọi theo tên ông Miền. Chị Ngọc cho biết: “Ngày trước, nhãn nhà ông Miền rất ngon nên cả tỉnh lấy giống về trồng. Nhãn ở Khoái Châu phải đến 90% là nhãn Miền, quả to gần bằng quả vải.”
“Nhãn lồng mọi người vẫn nghe thường là tên thương hiệu thôi. Còn nhãn lồng thật thì chỉ còn vài cây vì năng suất thấp, gặp mưa quả sẽ nứt nên ít người trồng. Thế nhưng, quả của cây nhãn lồng “xịn” thì ăn cực ngon, không từ nào miêu tả được”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Người dân Hưng Yên chặt đi nhiều nhưng vẫn sẽ giữ lại 1 - 2 cây nhãn lồng “xịn” để làm quà.
Cũng như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên là một trong những đặc sản tiến vua của xứ Đông nức tiếng bao đời nay. Không chỉ là 2 thức quả giải nhiệt, mà gắn liền với chúng còn rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt mang hồn cốt con người Việt Nam. Vì thế, rất cần các bộ, ngành, các doanh nghiệp cùng chung tay với bà con nông dân đưa loại quả đặc sản này ra thế giới để cảnh "được mùa mất giá, mất mùa được giá" không tái diễn.
Phương Nhi/thuonghieuvaphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã