“Việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV như hiện nay, không chỉ đe dọa môi trường, sinh thái mà còn làm “chết” chính mảnh đất mình” - GS-TS Võ Tòng Xuân đã mở đầu buổi tọa đàm bằng thông tin khiến nhiều ND giật mình - “Cây lúa cần đến 16 chất để sinh trưởng, tạo hạt, nhưng vì ND có thói quen ưu tiên bón nhiều đạm để cây phát triển nhanh nên buộc lòng chúng phải “vắt” từ đất 15 chất còn lại. Lâu ngày đất bị “chai” đi. Đó là cái chết chậm cho nền nông nghiệp”.
Tiếp đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đưa ra “con số biết nói”: “Năm 2016, cả nước có 14.174 chủng loại phân bón được phép lưu hành, đến năm 2017, con số này lên đến 20.000, trong đó phân hóa học (vô cơ) chiếm đến 95%. Hiện cả nước đang lưu hành 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với 4.080 mặt hàng”.
Nhiều lão nông đã tỏ ra lo sợ khi lần đầu nghe đến những “con số đáng sợ”: Năm 2017, cả nước nhập khẩu 646.016 tấn thuốc BVTV (trị giá gần 1 tỉ đôla, tăng 35% so năm 2016). Theo TS Nghĩa, con số khổng lồ này không chỉ tự làm hẹp cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt, tăng giá thành, mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí và nước ngầm...
“Đó còn là con đường ngắn nhất đưa người sản xuất và tiêu dùng nông sản đến bệnh ung thư” - TS Nghĩa nhấn mạnh thêm - “Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam được xếp vào top 2 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư với năm 2010 là 140.000 người và dự báo đến 2020 là 190.000 người”. Đáng lo nhất là 70% trong đó là ND và người sống ở nông thôn.
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, mặc dù là người trực tiếp sử dụng, nhưng chuyện nông sản không sạch, không chỉ là lỗi của ND. “Ở đây còn có trách nhiệm của nhà quản lý, nhà khoa học và nhà DN” - ông Hoan cho biết thêm - “Có một thời, cả xã hội chạy theo trào lưu năng suất. Mỗi khi năng suất lúa cán mức 1,5 triệu tấn, 2 triệu tấn là tổ chức lễ mừng công, rồi truyền thông khen ngợi...
Chính sự hồ hởi này, cộng với lối khuyến nông theo tài trợ của DN kinh doanh phân bón, thuốc BTTV, rồi nạn DN kinh doanh nông sản theo kiểu “ăn xổi”... đã làm ND ngộ nhận năng suất là tất cả, và chỉ có phân bón, thuốc BVTV là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công”.
Thay đổi từ “người thật việc thật”
Không phải là địa phương đầu tiên, nhưng với cách tổ chức theo phương thức “người thật, việc thật” của Đồng Tháp đã gợi cho nhiều người tin tưởng hơn vào hành trình hướng tới sản xuất NNS. Không dừng lại với việc gợi mở cho các nhà khoa học đưa ra những đề xuất mới, như: Cần nghiên cứu, tạo giống có năng suất cao hơn để ND giảm sử dụng phân bón hóa học; hỗ trợ ND chọn giống phù hợp với loại đất để giảm lượng phân bón...
Tại buổi tọa đàm, Đồng Tháp còn chủ động tạo điều kiện để ND bày tỏ những thắc mắc, lo lắng mang tính mấu chốt của trở ngại lâu nay, kiểu như: Sản xuất sạch có giảm năng suất, tăng giá thành? hoặc mua phân thuốc sạch ở đâu? sản xuất ra bán cho ai?...
Bằng “việc thật, người thật”, lần lượt lãnh đạo Cỏ May, Ecofarm... đã gieo niềm tin cho ND. Không chỉ kể chuyện Cty mình nhờ trồng dưa lưới theo công nghệ nhà lưới mà được DN du lịch chủ động liên kết đưa khách đến tham quan để từ đó có thể bán dưa được giá 60.000 đồng/kg, gấp đôi so với giá thị trường, các doanh nghiệp còn kể lại câu chuyện có thật về trồng hoa sạch tăng thu nhập từ người bạn ở Đà Lạt để minh chứng.
Trước đây khi dùng phân bón, thuốc BVTV, mỗi ngày, vườn hoa chỉ bán được 1 triệu đồng, nhưng từ khi được DN du lịch đặt hàng dùng phân, thuốc hữu cơ để đón khách tham quan. Giờ, chỉ riêng tiền bán vé tham quan đã lên 4-5 triệu đồng/ngày.
Từ thực tế này, TS Nghĩa đã mở vấn đề “nan y” đối với nông dân: “Không nên bận tâm dùng phân, thuốc BVTV hữu cơ nào vì điều này vừa nặng nghĩ, vừa khó đáp ứng với nhu cầu đa dạng của thị trường. Hãy thông qua tổ chức “Hội quán” ký những hợp đồng liên kết cung ứng với các DN. Khi đó, tùy vào thị trường mà họ sẽ đưa ra quy trình gieo trồng cũng như chi tiết phân, thuốc BVTV”...
“Mọi sự hỗ trợ sẽ trở nên vô nghĩa nếu ND không tự thay đổi. Khởi đầu nào cũng khó, nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay, chúng ta không chỉ có lỗi với sức khỏe chính mình mà còn có lỗi với con cháu đời sau... Với vai trò của mình, tôi xin khẳng định sẽ kết nối các nhà khoa học, DN, truyền thông sẵn sàng hỗ trợ bà con” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan kết thúc buổi tọa đàm với quyết tâm cao nhất.
Tác giả bài viết: LỤC TÙNG
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã