Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Theo Cục Thú y, năm 2013, vi-rút cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng vi-rút khác nhau trên cả người và động vật. Đặc biệt là chủng vi-rút nguy hiểm có khả năng lây sang người H7N9, phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 3/2013 và đến tháng 2/2014 đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong thuộc Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (trong đó tính riêng năm 2014 có đến 190 ca mắc bệnh và 19 ca tử vong). Nghiêm trọng hơn, chủng vi-rút này không biểu hiện lâm sàng trên đàn gia cầm và chưa có vac-xin phòng bệnh.
Tại Việt Nam, hiện đã phát sinh 24 ổ dịch, thuộc 11 tỉnh, thành phố với 30.000 con gia cầm mắc bệnh và chết. Riêng, chủng vi-rút H7N9, mặc dù chưa phát hiện nhưng nguy cơ xâm nhập là rất cao, nhất là các tỉnh miền Bắc và các tỉnh có liên quan đến buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc.
Trên địa bàn Hà Tĩnh, tỷ lệ lưu hành vi-rút H5N1 khá cao (11%); mặt khác thời tiết đang diễn biến phức tạp, độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh tạo điều kiện cho vi-rút cúm lây lan, phát triển. Mặt khác, nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi sau Tết khiến việc vận chuyển gia cầm giống vào địa bàn khá lớn, làm tăng nguy cơ lây lan dịch.
Gia cầm giết mổ chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan tại khu vực chợ Vườn Ươm (Tp Hà Tĩnh) |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và tiếp tục lan rộng. Theo đó, các địa phương và lực lượng chức năng phối hợp tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm; lấy mẫu kiểm tra tại các chợ, cửa khẩu; khẩn trương triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người (A/H7N9).
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cần thông tin đúng, đủ để người dân nhận thức rõ tình hình dịch; thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, nhất là tiêu độc khử trùng và kiểm soát vận chuyển, giết mổ. Quan trọng, các địa phương cần đưa ra các phương án chi tiết phòng chống dịch, vừa đảm bảo khống chế mầm bệnh mà không ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm của các địa phương và ngành chuyên môn. Thời gian tới, ngành chuyên môn, các kênh thông tin tăng cường tuyên truyền một cách trung thực, chính xác và phải có chiều sâu về tình hình, diễn biến dịch cho người dân; kiện toàn lại BCĐ và ban hành chương trình hành động. Về phương án phòng bệnh, phải tổ chức tiêu độc khử trùng ở vùng tiềm ẩn nguy cơ và tụ điểm buôn bán, giết mổ; hành động sớm kế hoạch tiêm phòng và tăng cường quản lý nhà nước về an toàn dịch bệnh và vận chuyển gia cầm.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã