Huyện đã tập trung chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Hàng năm, diện tích lúa giống thuần được liên kết sản xuất với các doanh nghiệp đạt 2.000 ha; ngô giống F1 gần 300 ha; hơn 600 ha trồng cây ăn quả, chuyên canh sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, lúa giống đạt tiêu chuẩn Vietgap, mang lại thu nhập cao cho người dân... Hầu hết diện tích trồng trọt đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, như: Tưới mưa phun (12 ha xã Yên Trung), tưới nhỏ giọt (8 ha xã Định Bình). Diện tích nhà màng, nhà lưới ngày càng nhân rộng ở nhiều xã. Một số hộ dân, HTX đã đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản lúa, ngô tại xã Định Tường, Định Hòa; bảo quản sơ chế ớt tại xã Định Liên. Trong chăn nuôi chủ yếu phát triển theo trang trại quy mô tập trung. Toàn huyện có 117 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, huyện đã có 7 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết cùng nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm.