Chắc hẳn trong chúng ta chưa quên, khoảng 10 năm trước, ở một số địa phương rộ lên phong trào nuôi ốc bươu vàng, nhưng đến bây giờ bà con vẫn chưa hết khổ vì những tác hại do “phong trào” này để lại. Rồi chuyện nuôi bò sữa, ba ba, cá sấu, tôm, cá da trơn… tràn lan. Thực tế, không ít nhà nông làm giàu từ những cách làm ăn mới, nhưng việc chạy theo phong trào cũng đã khiến hàng loạt gia đình trắng tay, rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần. Tương tự, việc lựa chọn trồng cây gì ở nhiều vùng, miền trong cả nước cũng khổ vì “bệnh phong trào”. Có thời gian, người dân đua nhau chặt phá rừng để đầu tư trồng cà-phê, tiêu... vài ba năm, sau khi đến mùa thu hoạch thì cà-phê, tiêu rớt giá, họ lại chặt bỏ. Gần đây, tại một số huyện ở phía tây tỉnh Tiền Giang như Cai Lậy, Cái Bè... có hiện tượng nông dân đua nhau chạy theo phong trào trồng mít giống Thái-lan siêu sớm, trồng xoài giống Đài Loan (Trung Quốc), đào ao trên đất trồng lúa để nuôi cá tra giống... Đơn cử như cơn sốt mít Thái-lan siêu sớm, đây là giống mít mới, dễ trồng, năng suất cao và bán được giá. Cây trồng chỉ sau vài năm tuổi đã bắt đầu cho quả, năng suất bình quân từ 20 đến 30 tấn/ha và giá trung bình đạt 30.000 đồng/kg, mỗi ha trồng mít cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Chỉ riêng huyện Cai Lậy, ước tính có hàng nghìn ha đất chuyển đổi từ trồng lúa, trồng cây ăn quả khác sang trồng chuyên canh cây mít… Tuy nhiên, hiện các loại cây này cũng đang thi nhau rớt giá khiến nhiều nhà vườn ngậm đắng, nuốt cay. Và trong khi vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng chưa tìm hướng giải quyết, thì hiện nay chăn nuôi lợn lại cũng đang rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 5-2016, thị trường thịt lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất sang Trung Quốc cũng như nhu cầu trong nước tăng. Vào thời điểm tháng 5-2016, giá thịt lợn đạt đỉnh ở mức 55.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với trước đó ba tháng. Thêm nữa, thị trường Trung Quốc rất chuộng loại thịt lợn có trọng lượng hơn 100 kg, nhiều mỡ. Cho nên, vào thời điểm đó, thương lái Trung Quốc nhập ồ ạt lợn Việt Nam với giá cao, khiến người chăn nuôi của tỉnh Hà Nam nói riêng và các địa phương khác nói chung cũng ồ ạt tăng đàn. Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi bỗng “lao dốc không phanh” khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Nam điêu đứng. Nhiều người chăn nuôi cho biết, kinh nghiệm trước đây giá lợn xuống rồi sẽ lên nhanh chóng, nhưng lần này giá lợn lao dốc từ 55 nghìn đồng/kg thịt hơi xuống chạm đáy còn 25 đến 29 nghìn đồng/kg và không có dấu hiệu tăng lên. Chính vì giá lợn giảm quá thấp cho nên nhiều hộ chăn nuôi có đàn lợn xuất chuồng vẫn không bán, vì bán sẽ lỗ quá nặng, chưa chắc trả đủ tiền cám cho đại lý, chứ đừng nghĩ đến việc có vốn tái đàn. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bấp bênh này, trong khi thị trường trong nước lại không chuộng loại lợn có trọng lượng lớn, nhiều mỡ. Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Ngọc Lũ (Hà Nam) đứng ngồi không yên bởi giá lợn hơi giảm mạnh. Anh Hải cho biết: “Trước kia, gia đình chỉ nuôi thả cá. Năm 2016, thấy mọi người nuôi lợn có lãi cao, cho nên tôi đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 400 triệu đồng cùng nguồn vốn tích lũy đầu tư làm chuồng trại nuôi 200 con lợn thương phẩm. Khi nhập đàn, giá lợn giống cao ngất ngưởng từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng/con, nhưng giá lợn hơi khi đó là 58 đến 60 nghìn đồng/kg cho nên tôi hy vọng sẽ có được nguồn thu khấm khá hơn nuôi cá. Ai ngờ tới kỳ xuất chuồng, ngay lứa đầu 50 con đúng vào thời điểm giá giảm mạnh, không những không thu hồi được vốn mà còn lỗ hơn 70 triệu đồng”. Không chỉ riêng gia đình anh Hải, phần lớn các hộ nông dân đều lâm vào tình cảnh như vậy. Nhà ít thì 50 con, nhiều lên đến 2.000 con; nhà lỗ ít thì mất trăm triệu đồng, còn lỗ nặng có thể lên đến vài tỷ đồng… Và cứ theo vòng quay, hết trồng trọt rồi lại chăn nuôi, luẩn quẩn, mải miết chạy theo “phong trào” tự phát, hệ quả là người nông dân phải trả “học phí” quá đắt. Để tháo gỡ những khó khăn cho người chăn nuôi, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có biện pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi như kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ, giảm giá thành đầu vào thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp chế biến tích trữ đông lạnh… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, để vượt qua thời điểm này. Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... và đây là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Cũng nhờ vậy, hàng triệu hộ dân trong nước đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Thế nhưng, do tác động từ nền kinh tế thế giới, nhất là do lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu khoa học, “chạy” theo phong trào và thị trường, cho nên cung đã vượt cầu, dẫn tới không tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra những quyết sách cụ thể, lâu dài, theo chúng tôi, các doanh nghiệp cần kịp thời hỗ trợ nông dân, quan trọng hơn là những giải pháp căn cơ để định hướng nông dân tới một thị trường tiêu thụ bền vững. Trong đó, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giúp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Cùng với đó, người nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen nuôi trồng theo phong trào, tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, qua đó chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần mở rộng thị trường không chỉ ở trong nước mà còn cả nước ngoài.
| |||
QUANG MINH/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã