“Trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái (DLST) gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo và đang là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách trong nhiều năm lại đây”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh. Tại TP.HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Tại Quảng Nam, các hoạt động DLST nông nghiệp mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách, đóng góp không nhỏ vào tổng du khách.
Đánh giá thực trạng phát triển DLST nông nghiệp, hội thảo cũng nhìn nhận thực tế loại hình này đã đóng góp tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thêm nguồn thu nhập cho nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Hình thành một hệ thống sản phẩm DLST nông nghiệp mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Đây là điểm nhấn đóng vai trò thu hút, thúc đẩy tăng trưởng khách. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…
Tuy nhiên, bên cạnh đó ý kiến cũng cho rằng, nhiều sản phẩm DLST nông nghiệp vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn, chưa đạt yêu cầu. Chưa có nhiều sản phẩm DLST nông nghiệp độc đáo, chuyên nghiệp, thậm chí còn trùng lặp, đơn điệu giữa các địa phương do cùng khai thác một loại hình sản phẩm. Nhiều “khu du lịch sinh thái” còn nghèo nàn về dịch vụ, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng phụ trợ tại nhiều điểm DLST nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ dịch vụ mua sắm của du khách còn đơn điệu, mang tính tự cung tự cấp.
Nguồn nhân lực cho phát triển DLST nông nghiệp còn hạn chế, khan hiếm người có kỹ năng phục vụ và sáng tạo cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Phần lớn là bà con nông dân coi hoạt động du lịch này như một việc làm thêm ngoài mùa vụ chính nên không có ý thức tư duy kinh doanh dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ hạn chế.
Theo đại diện TCDL, để khắc phục và phát huy tốt tiềm năng DLST nông nghiệp, ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời cần có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa DLST nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.
THU HOÀI/ Báo Văn hoá