Phát triển kinh tế vườn theo nhiều mô hình
Những năm qua, các tỉnh khu vực ven biển miền trung đã dành nhiều quan tâm phát triển kinh tế vườn, nhằm đánh thức tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại nhiều địa phương, kinh tế vườn ngày càng phát triển mạnh và hình thành nhiều mô hình đa dạng trong nông thôn, theo nhiều hướng như vườn cây ăn quả, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), VAC - rừng, VAC - biogas, vườn du lịch sinh thái, vườn hữu cơ,… đem lại nguồn thu nhập đáng kể, chiếm 50 đến 60% thu nhập/năm của hộ nông dân. Một số tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có diện tích cây ăn quả phát triển khá với bình quân hơn 10 nghìn ha.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có hơn 8.680 ha diện tích đất vườn, chiếm 15% diện tích đất canh tác nông nghiệp. Theo số liệu điều tra gần đây, thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ; giá trị đạt 35 đến 100 triệu đồng/ha/năm, chủ yếu từ các cây chủ lực như bưởi, thanh trà, cam, chuối, măng cụt, tiêu,… Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kinh tế vườn bảo đảm cho môi trường ổn định, cân bằng sinh thái, là nhân tố phát triển nông nghiệp bền vững, giúp con người khôi phục độ màu mỡ đất đai, nguồn nước trong sạch. Vườn cây là nơi chắn lở, xói mòn cho các con kênh và cũng là nơi tái sử dụng các chất thải từ con người và gia súc, tạo thành lớp che phủ, tăng dinh dưỡng cho đất và làm nước sạch cho sinh vật. Mặt khác, vườn nước ta với cấu trúc như một hệ sinh thái đa dạng, thảm thực vật phong phú, độc đáo vừa mang tính đặc trưng cho khu vực vừa mang tính quý hiếm của thế giới. Cảnh quan thoáng đãng, với nhiều loài đặc sản các nhà vườn ở Lâm Đồng, Huế… đã tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Đó chính là những mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái.
Một số tỉnh ở ven biển miền trung đã đưa ra các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn theo mô hình phát triển kinh tế vườn. Trang trại có mô hình công nghệ cao được hỗ trợ kinh phí về giống, vật tư nông nghiệp, bảo quản chế biến sản phẩm. Các trang trại thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các trang trại chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai để có diện tích đủ lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất. Tại tỉnh Quảng Trị, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhiều hộ gia đình loại bỏ những loại cây tạp, cây có giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Ông Lê Văn Sơn, ở khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị) cho biết: “Chúng tôi chủ động lựa chọn giống cây trồng phù hợp với vùng đất, chú trọng hơn về chăm bón, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy áp dụng kỹ thuật trồng cùng với kinh nghiệm tích lũy được, vườn trái cây của gia đình tôi phát triển tốt. Hiện, trong vườn nhà tôi có 50 gốc chôm chôm và 30 gốc nhãn, cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm. Tôi đã mở rộng diện tích đất vườn lên 4 ha, mua hơn 500 cây giống các loại từ miền nam về trồng như sầu riêng, măng cụt, mít không hạt”.
Một số địa phương khác cũng được hỗ trợ về vốn, khoa học - công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển bền vững. Chỉ tính riêng ở tỉnh Quảng Bình hiện có 516 trang trại đạt các tiêu chí theo quy định với tổng diện tích quản lý, sử dụng gần 3.600 ha, bình quân 6,9 ha/trang trại, hằng năm giải quyết việc làm cho 2.629 lao động, trong đó có 1.556 lao động thường xuyên.
Trở ngại khi hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn
Trong những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm thay đổi, ảnh hưởng đến điều kiện canh tác, sản xuất như hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, nắng nóng kéo dài…, các mùa thay đổi về thời gian không cụ thể hoặc kéo dài, hoặc ngắn lại cũng làm cho cây trái thay đổi.
Theo Hội Làm vườn Việt Nam, dù có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay việc phát triển kinh tế vườn ở khu vực miền trung vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, quy mô lớn đang gặp nhiều trở lực do diện tích vườn còn manh mún; doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo quản trái cây còn quá ít; lĩnh vực kinh tế vườn chưa được tổ chức, quản lý tốt; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân do tiềm năng, lợi thế của kinh tế vườn chưa được nhận thức và phát huy; người dân vẫn làm theo phong trào, tính tự phát cao, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thiếu chính sách, giải pháp đột phá; chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng; quy mô vốn đầu tư cho cải tạo và phát triển kinh tế vườn còn hạn hẹp.
Những hạn chế lớn nữa là công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, thiếu thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa có đủ điều kiện để hình thành thương hiệu mạnh, chưa có đủ sức cạnh tranh. Thủ tục để được vay vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, phiền phức đối với nhiều chủ trang trại, nhất là việc giải trình phương án sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người nông dân nhất là khi triển khai mở rộng hình thức sản xuất nông nghiệp kinh tế vườn, kinh tế trang trại, tập trung, phát triển gia trại, trang trại, sản xuất hàng hóa lớn. Môi trường bắt đầu ô nhiễm, môi sinh bị hủy diệt, tài nguyên còn lãng phí. Chưa kể, ảnh hưởng của lụt, bão hằng năm khiến tình hình chăn nuôi, trồng trọt ở miền trung gặp nhiều khó khăn.
Đặt kinh tế vườn trong tổng thể hệ sinh thái VAC
Để trang trại và kinh tế vườn phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ các hộ về vốn, kiến thức khoa học, kỹ thuật, vật tư phân bón... cũng như tạo cơ hội thuận lợi để xây dựng mối liên kết "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong tổ chức phát triển kinh tế trang trại. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn. Đây còn là bước phát triển mới của kinh tế hộ chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với thị trường.
Để phát triển kinh tế vườn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần xây dựng quy hoạch kinh tế vườn theo từng địa phương, chuyên canh, chuyên sâu và quy mô sản xuất lớn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu, quy hoạch vườn phải đồng bộ trồng trọt, dịch vụ, tiêu thụ và thị trường. Quy hoạch phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan, bảo đảm tốt các yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất của kinh tế vườn. Đối với các loại cây trồng trọng điểm, đã có thế mạnh và chỗ đứng, cần tiếp tục phát triển thông qua các dự án nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời phát triển có chọn lọc các sản phẩm mới, lạ theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch cụ thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã VAC hoặc nhóm người cùng sở thích tại mỗi vùng để tạo ra vùng sản xuất lớn nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đồng bộ hơn, từ đó hình thành những mô hình du lịch sinh thái rộng lớn, hấp dẫn du khách. Tư vấn kỹ thuật cho nông dân như cải tạo vườn tạp sao cho phù hợp với điều kiện chung và điều kiện riêng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; ứng dụng TBKT, công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu để dần nâng cao trình độ canh tác của nông dân trong chuyển đổi và khai thác vườn hiệu quả; xây dựng sản phẩm sạch và thương hiệu sản phẩm theo vùng miền. Người làm kinh tế vườn phải có kiến thức công nghệ thông tin, biết truy cập in-tơ-net để quảng bá sản phẩm, tìm thị trường, nắm bắt thông tin kỹ thuật mới và có khả năng tổ chức du lịch sinh thái ngay tại vườn nhà mình.
Chủ tịch T.Ư Hội Làm vườn Việt Nam, GS, TS Ngô Thế Dân cho rằng: “Phải đặt kinh tế vườn trong tổng thể cả hệ sinh thái VAC; tiếp tục cải tạo vườn tạp, như kinh nghiệm ở Sơn La (mỗi địa phương chọn hai đến ba loại cây phù hợp, có hiệu quả kinh tế, thực hiện ghép cải tạo); áp dụng TBKT để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí sắp xếp lại vị trí các khu VAC mang lại thu nhập 360 triệu đồng/vườn/năm; thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã VAC theo Luật Hợp tác xã”.
Theo GS, TS Ngô Thế Dân, phát triển kinh tế vườn là tất yếu, nhưng để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất khó, tùy vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao... Cần có chính sách vĩ mô của Nhà nước để đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn; xác định nghề vườn là mũi nhọn chính trong chương trình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cho nông dân thuê đất dài hạn và miễn thuế đất trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, hỗ trợ vốn, ổn định giá cả thị trường để khuyến khích nông dân lập vườn và phát triển kinh tế vườn.
Vấn đề kỹ thuật canh tác phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương, nắm bắt tình hình thời tiết, dịch bệnh để đưa ra lịch thời vụ gieo trồng, chăm sóc, áp dụng đồng bộ công tác giống cây trồng, tuyển chọn cây đầu dòng, thu thập các giống mới để trồng cho phù hợp; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững (VietGAP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tác giả bài viết: CÔNG HẬU, VĂN HAI, HƯƠNG GIANG
Nguồn tin: www.nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã