Các đảng viên và người dân thôn Bến (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam) kiểm tra mô hình trồng cà chua chất lượng cao. |
Tính tiền phong, gương mẫu ấy đã tạo sức lan tỏa những việc làm tốt đẹp trong cộng đồng, đóng góp không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đảng viên đi trước Người dân xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang đã quen với hình ảnh chị Hoàng Thị Thiết, Chủ tịch Hội Phụ nữ đồng thời là Chủ nhiệm câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” xã thường xuyên có mặt tại các thôn để kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường. Sáu năm trước, khi xóm làng bừa bộn rác thải, không được thu gom, chị xin ý kiến Đảng ủy xã Tân Mỹ cho phép thành lập câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” xã với lực lượng nòng cốt là hội viên Hội phụ nữ xã. Từ đó đến nay, câu lạc bộ duy trì đều đặn với 26 thành viên, chia làm 11 tổ tương ứng với 11 thôn. Không chỉ hằng ngày trực tiếp đi thu gom rác thải tại các thôn xóm, các thành viên câu lạc bộ còn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống ba sạch (sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường). Nhờ đó, đường làng ngõ xóm ở xã Tân Mỹ phong quang sạch đẹp. Làm sao để trẻ em trong thôn có một ngôi trường mẫu giáo là trăn trở trong nhiều năm của bác Nguyễn Đức Soạn, Bí thư chi bộ thôn Trại Đáng, xã Tam Dị, huyện Lục Nam. Đảng ủy xã Tam Dị có chủ trương xây trường mẫu giáo tại thôn Trại Đáng từ nhiều năm trước, nhưng do đất chật người đông, không có diện tích đất đủ rộng để xây dựng trường. Chi bộ thôn họp bàn nhiều lần và giải pháp duy nhất là vận động nhân dân hiến đất nhưng cái khó là vận động như thế nào? Sau nhiều đêm suy nghĩ, bác Soạn quyết định mình phải gương mẫu làm trước, có như vậy mới thuyết phục được các đảng viên và mọi người. Sau một tháng kiên trì vận động, thuyết phục vợ con, gia đình bác Soạn đã hiến 500 m² đất khu ruộng canh tác cho thôn để xây trường mẫu giáo. Khó khăn lại nảy sinh khi triển khai, theo quy hoạch để xây dựng trường cần ít nhất hơn một nghìn m² đất. Bác Soạn lại tiếp tục vận động vợ con hiến thêm đất. Tổng cộng gia đình đã hiến 1.440 m² để xây trường. Việc làm của bác Soạn và gia đình khiến nhiều người trong thôn cảm phục và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Trong những tấm gương đi đầu của đội ngũ cán bộ cơ sở ở Bắc Giang có không ít cán bộ trẻ. Một trong số đó là Trưởng thôn Vi Văn Giới (sinh năm 1990), người dân tộc Tày ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động. Thôn Nà Vàng có 112 hộ với 442 nhân khẩu, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số, địa hình vườn đồi rộng nhưng chưa khai thác được thế mạnh cho nên thu nhập của người dân còn thấp. Trưởng thôn Giới luôn trăn trở làm sao để cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Gia đình anh có hơn 4,2 ha đất vườn đồi, tám sào ruộng canh tác, anh đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi ba ba, thả cá, kết hợp chăn thả gà đồi và lợn nái sinh sản, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Sau khi mô hình thành công, anh mời người dân đến tham quan, hướng dẫn cụ thể từng bước. Thấy hiệu quả, bà con trong thôn đã mạnh dạn mở rộng các mô hình kinh tế vườn đồi, trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt hơn 13 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 đến 5%/năm, nhiều hộ đã xây nhà kiên cố. Nà Vàng từ thôn nghèo vươn lên đứng đầu xã trong phát triển kinh tế. Lan tỏa việc tốt trong cộng đồng Người dân xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang yêu mến gọi chị Hoàng Thị Thiết là cô “cán bộ môi trường”. Việc làm vì sự sạch đẹp thôn làng của chị được cán bộ, nhân dân ghi nhận và làm theo. Năm 2010, xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí được xác định khó nhất chính là tiêu chí môi trường, nhưng bằng sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, tiêu chí này đã hoàn thành. Từ năm 2013, số hộ mở rộng chăn nuôi theo hình thức trang trại ngày càng nhiều. Để tạo môi trường sạch, câu lạc bộ mở chiến dịch vận động hộ chăn nuôi xây hầm bi-ô-ga. Chị Thiết là người tiên phong đến từng gia đình vận động, thuyết phục. Nhờ vậy, 30 hộ chăn nuôi trong xã đã xây hầm bi-ô-ga. Năm 2014, xã Tân Mỹ về đích trong xây dựng nông thôn mới trước dự kiến một năm. Mô hình Câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” của Hội Phụ nữ xã Tân Mỹ được thành phố khen thưởng. Nhiều địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập. Ở thôn Trại Đáng, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, từ việc tiên phong hiến đất làm trường học của Bí thư chi bộ Nguyễn Đức Soạn đã dấy lên phong trào hiến đất, góp công, góp của xây dựng quê hương. Gia đình bác Lê Quang Diện hiến 200m², bác Nguyễn Thị Giáp tặng gần 400 m² đất mở rộng sân vui chơi cho trường mẫu giáo. Nhiều gia đình khác như anh Nguyễn Thanh Tuấn sẵn sàng di chuyển mộ của ông bà sang nơi khác để mở đường vào trường. Năm 2014, trường mẫu giáo thôn Trại Đáng khánh thành, đón gần 100 cháu ở ba thôn Trại Đáng, Hố Dẻ và Tân Mùi đến học. Có trường, nhân dân trong xã đã kêu gọi ủng hộ được 300 triệu đồng để mua sắm thiết bị, đồ dùng học và chăm sóc trẻ. Gần đây nhất, người dân thôn Trại Đáng tiếp tục hiến tặng hơn 4.000 m² đất cùng 60 ngày công xây dựng khu trung tâm các thiết chế văn hóa thôn. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, các cấp ủy trong tỉnh luôn coi trọng việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó việc nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị được được xem là giải pháp quan trọng. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương của cán bộ, đảng viên trong học tập, làm theo Bác được nhân dân ghi nhận, nhất là ở đội ngũ cán bộ cơ sở, những người gần dân, sát dân. Nhiều việc làm đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tại huyện Yên Thế, cán bộ, đảng viên mỗi năm đăng ký từ một đến hai việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Kết quả đã có 2.689 lượt tập thể, gần 80 nghìn lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đăng ký gần 96 nghìn việc làm theo. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo đã góp phần đưa huyện Yên Thế đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Làm việc với Huyện ủy Yên Dũng, chúng tôi được biết, qua đăng ký việc làm theo Bác, ngoài huy động nhân dân hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, các ban, ngành trong huyện đã giải quyết hơn hai nghìn việc bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Năm 2017, Tỉnh ủy Bắc Giang đẩy mạnh hướng về cơ sở, giải quyết những việc, bức xúc, nổi cộm liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đến nay, không chỉ đội ngũ cán bộ ở cơ sở mà hầu hết các tổ chức đảng, đảng viên, người đứng đầu tổ chức đơn vị trong tỉnh Bắc Giang khi đăng ký việc làm theo Bác đã chọn lựa, tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong các lĩnh vực: cải cách hành chính, quản lý đất đai, tài chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý ô nhiễm môi trường… Đây chính là cách triển khai thiết thực Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Bắc Giang. |
Tác giả bài viết: Văn Toán và Quang Đông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã