Thấy được những bất cập, hạn chế của cách làm bánh mướt thủ công, ông Lê Văn Hà (thôn Trung Trinh) đã mạnh dạn thay đổi cách làm cũ bấy lâu nay, từng bước áp dụng KHKT vào sản xuất nghề truyền thống của gia đình.
Ông Hà cho biết: “Do đơn hàng ngày càng nhiều, việc làm bánh thủ công không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách, đầu năm nay, tôi đã “mạnh tay” đầu tư hơn 50 triệu đồng mua máy làm và gấp bánh mướt tự động, máy xay bột cỡ lỡn để phục vụ việc sản xuất hằng ngày của gia đình".
Nhờ có máy móc hiện đại, mỗi ngày, gia đình có thể làm được 70-80 kg gạo, tương đương với hơn 2 tạ bánh mướt xuất ra thị trường. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Hà cũng đã tiến hành làm giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện nay, với quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng nhờ máy móc hiện đại thay thế nhiều công đoạn quan trọng, gia đình ông Hà có thu nhập từ 7 - 8 triệu/tháng, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng chính nghề truyền thống của cha ông.
Năm 2016, anh Nguyễn Hữu Đức (thôn Trung Trinh) mạnh dạn đầu tư gần 350 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất bánh đa với nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy làm bánh đa tự đông, máy nướng bánh tự động…
Bên cạnh đó, anh đã cùng chính quyền xã Việt Xuyên hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất với tên gọi đầy đủ là Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Đức Anh.
Anh Đức cho biết: “Nhờ có máy móc, cơ sở anh có thể làm khoảng 3.000 chiếc bánh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với cách tráng bánh bằng tay ngày xưa. Bánh đa sau khi phơi được nướng bằng lò nên bánh chín vàng đều và đẹp mắt, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhờ thế, bánh đa của cơ sở đã từng bước có chỗ đứng tại thị trường trong và ngoài tỉnh".
Đến thời điểm hiện tại, bình quân mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình anh Đức thu lãi hơn 10 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương cơ bản từ 3 - 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, xã Việt Xuyên hiện có trên 23 mô hình tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề truyền thống như: Sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi, bánh các loại… Nhìn thấy được cái lợi của việc áp dụng KHKT, các cơ sở đã từng bước đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất.
Nhờ thế, nhiều gia đình đã dần “sống” được với nghề truyền thống của cha ông như: Cơ sở sản xuất bún, bánh Hương Tâm; Cơ sở sản xuất kẹo lạc Tú Uyên; Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Đức Anh…
Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng đã có ý thức xây dựng thương hiệu, tiến hành làm giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên Trương Công An, cho biết: “Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của nghề truyền thống tại xã Việt Xuyên, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời, hỗ trợ thực hiện xây dựng và đăng ký nhãn mác, thương hiệu cho một số sản phẩm truyền thống của các cơ sở sản xuất.”
Tác giả bài viết: Thái Oanh
Nguồn tin: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã