Hiệu quả từ những chính sách đúng
Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang triển khai 7 chính sách tín dụng, 1 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với lãi suất giảm 0,5-1,5% so với cho vay thông thường. Nổi bật là hai chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55) và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định số 67) về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn (NNNT) của Agribank đạt 645.367 tỷ đồng, tăng 25,5% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay phát triển thủy sản là 5.032 tỷ đồng với 616 khách hàng, qua đó giúp số lượng tàu đóng mới và nâng cấp đạt 561 tàu. Đã có 31 chi nhánh Agribank ở các tỉnh ven biển giải ngân vốn vay theo các hợp đồng tín dụng ký kết... Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc Lan, thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Gia đình tôi đánh bắt thủy sản từ nhiều năm trước, khi đó tàu chỉ có công suất 410CV. Nhờ Nghị định số 67, chúng tôi đã vay của Agribank số tiền 7,4 tỷ đồng để đóng thêm hai tàu công suất 910CV đánh bắt thủy sản ở Bạch Long Vĩ. Nhờ vậy mà thu nhập tốt hơn, đủ để trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống gia đình”.
Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.com.vn |
Bám sát định hướng của Chính phủ, cụ thể hóa các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từng bước triển khai và cấp tín dụng cho những dự án hiệu quả để phát triển NNNT. Theo đó, cùng với việc tiếp tục đầu tư tín dụng cho các dự án có hiệu quả về phát triển nông nghiệp nói chung, Vietcombank đã đăng ký gói tài trợ 10.000 tỷ đồng đầu tư cho NNCNC với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác. Đến nay, nhiều dự án đã được Vietcombank tiếp cận, thẩm định hiệu quả kinh tế, tính khả thi và thực hiện cho vay. Tiêu biểu như dự án Nhà máy Sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ được Vietcombank cho vay hơn 600 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật, Mỹ, Israel.
Giải pháp lâu dài cho tín dụng nông nghiệp
Theo đại diện lãnh đạo Agribank, quá trình triển khai Nghị định số 67 còn gặp những khó khăn, vướng mắc, như: Việc kiểm soát khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích rất khó khăn, do đặc thù ngành khai thác đánh bắt là ngoài khơi xa, mỗi chuyến đi biển thường dài ngày, việc kiểm tra ngoài khơi rất bất cập. Thời gian vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67 kéo dài từ 11 đến 16 năm, trong khi đó, bảo hiểm tàu cá là loại bảo hiểm mua theo năm.
TS Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá cao chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản được thể hiện trong Nghị định số 55 và Nghị định số 67. TS Đặng Anh Tuấn cho rằng, Nghị định số 55 ra đời đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong cho vay, tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Quy định về cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại, không phải bảo đảm bằng tài sản là những chính sách chủ chốt giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để có cơ hội phát triển sản xuất. Việc triển khai Nghị định số 67 đã đạt được những kết quả tích cực, tuy vậy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc từ đặc thù của ngành đánh bắt thủy sản, như: Việc kiểm soát khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích khó khăn, vấn đề vốn đối ứng, chất lượng quản lý dự án và chất lượng đóng tàu, chính sách về bảo hiểm đối với chủ tàu...
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, để hoạt động tín dụng đạt hiệu quả cao thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi suất hợp lý đối với các dự án cho vay trong lĩnh vực NNNT và thủy sản do những lợi ích về xã hội mà các chính sách này mang lại. Hiện tại, 65% dân số Việt Nam là ở khu vực nông thôn. Việc làm và thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Số liệu khảo sát năm 2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có những thay đổi quan trọng trong cơ cấu hộ sản xuất, ngành nghề và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Dư nợ của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hiện mới chỉ chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Như vậy, tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn còn rất lớn và Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cũng như triển khai các chính sách của Nghị định số 55 và Nghị định số 67 để phát triển khu vực kinh tế này.
Theo Nguyễn Anh Việt/qdnd.vn