Từ người quân nhân yêu văn nghệ
Ông Đồng (SN 1957, thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vốn là một quân nhân. Năm 1983 ông xuất ngũ, sau đó tham gia vào công tác tại Đài truyền thanh hợp tác xã Đại Đồng. Trong quãng thời gian này ông kiêm mọi việc từ phóng viên, biên tập viên và đến cả… phát thanh viên trong đài của xã. Với năng khiếu văn nghệ, ông được giao nhiệm vụ đạo diễn các chương trình văn nghệ của địa phương. Sau khi rời hợp tác xã, ông được chính quyền xã đề cử đi học khóa đào tạo “chưởng tổng”. Thế là, ông lại trở thành người điều hành… tang lễ, hát nhạc tiễn đưa người chết trong các đám tang. Với tính cần cù chịu khó ham học hỏi, ông học thêm nghề thợ rèn để lao động kiếm thêm thu nhập nuôi 8 miệng ăn trong gia đình.
Nhà có vài sào ruộng, nên vào mùa ông Đồng lại xuống ruộng cày bừa. Nông nhàn ông lại lao vào làm rèn. Vì gia đình làm nông nên ông biết tất cả các công đoạn của nghề và cũng hiểu được những nỗi vất vả của người làm nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và lắm khi, đến thời điểm vào vụ gieo trồng mà không thuê được trâu cày, ông cùng vợ con phải nai lưng ra cuốc, ông lại thấy cảnh nhà nông cơ cực vô cùng. Những lúc ở lò rèn, ông nghĩ đến cơ cực của người dân, cái cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” cứ thôi thúc ông làm cái gì đó. Rồi nhìn các bộ phận của xe đạp cũ như tay lái, phuộc, sườn, vành… trong đầu ông Đồng lóe lên ý tưởng chế tạo máy cày.
Ông Lương Minh Đồng giới thiệu máy cày đa năng.
Đến “kỹ sư” sáng chế máy cày
Ban đầu, chiếc máy cày được ông Đồng thiết kế dùng để đánh rãnh gieo hạt giống. Sau đó, ông nhận thấy sản phẩm của mình vẫn còn nhiều điều chưa thuận lợi trong quá trình sử dụng nên tiếp tục cải tiến. Sau nhiều lần mày mò, cuối cùng, ông Đồng cho ra một sản phẩm 4 trong 1: cày rắc hạt, xớt cỏ bệ, vun hàng và cào rác, đặc biệt là nó rất thích hợp trong công đoạn trồng ngô và lạc.
Sau khi chiếc máy cày này được giới thiệu đến bà con thì được nhiều người hưởng ứng và sử dụng nhiều do sản phẩm này rất gọn nhẹ, giá thành chỉ khoảng 400.000 đồng/chiếc. Dần dần, ông Đồng nhận hàng ngàn đơn đặt hàng ở khắp nơi trên cả nước. Một ngày ông chỉ có thể làm được 2 - 3 chiếc máy cày hoàn chỉnh, nên nhiều người phải đặt trước rất lâu, nhất là đến ngày mùa, xưởng nhỏ của ông lại vô cùng bận rộn, tất bật người qua lại.
Ông Lương Minh Đồng tại lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ông Phan Văn Chín (Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng) cho hay, nếu như trước đây làm một sào đất màu, chỉ tính riêng công làm đất, rạch hàng tỉa hạt, vun hàng, xới cỏ… ít nhất phải tốn 10 đến 15 công, nhưng khi sử dụng chiếc máy cày đa năng do ông Đồng sản xuất sẽ tiết kiệm được tới 6 công lao động. Ở xã Đại Hồng có 2.600 nông hộ, thì đã sử dụng đến 3.000 dụng cụ đa năng từ lò ông Đồng".
Sự sáng tạo và công sức của ông được đền đáp xứng đáng khi tháng 2/2012, ông đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam. Cũng với phát minh đó, tháng 10/2013, ông Đồng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Bằng chứng nhận "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" và được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Ông Đồng chia sẻ, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo các nông cụ khác để giúp bà con nâng cao ngăn xuất và giải phóng sức lao động, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Với ông - đó cũng niềm vui to lớn nhất.
Theo Công Lý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã