Nếu có dịp về Phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) hỏi ông Trương Văn Đông có lẽ ai cũng biết, bởi ông là một nông dân “tiên phong” trong việc tận dụng con ốc bươu vàng để làm phân bón cho 400 gốc cam xoàn của gia đình. Đưa khách tham quan vườn cam đang vào mùa trĩu quả, thân cây tươi tốt, lá xanh mượt mà cứng cát, ông Đông tiết lộ: “Vườn cam này tươi tốt cũng nhờ việc tôi bắt ốc bươu vàng ngâm ủ làm phân tưới cho vườn cam xoàn được 2 năm nay. Thấy vậy chứ khi mình “dưỡng” cam bằng loại phân này rất tốt cho cây vì phân bón hóa học sử dụng lâu dài cũng gây thoái hóa, bạc màu đất. Ngoài ra, phân bón từ ốc bươu vàng còn có thể chống được một số bệnh trên cây, giúp trái cam bóng đẹp. Như vậy rõ ràng người trồng "khỏe re” bởi giảm hẳn đi thuốc trừ sâu.
Ốc bươu vàng được được ông Đông ngâm ủ thành phân bón.
Nếu như trước đây, với 400 gốc cam xoàn của ông Đông chỉ cho thu hoạch khoảng hơn 4 tấn/vụ thì hiện nay, nhờ sử dụng phân bón ngâm ủ từ con ốc bươu vàng đã giúp năng suất vườn cam tăng lên khoảng 4,5 tấn/vụ. Trước khi cam bắt đầu cho hoa, ông Đông dùng nước cốt từ ốc bươu vàng sau 3 tháng ngâm ủ để pha với nước lã tưới cho cây. "Vụ đầu tui tưới phân ngâm ủ từ ốc bươu vàng, mừng quá, thấy cây cam ra hoa, đậu trái nhiều hơn. Ngoài ra, tui để ý, nguồn phân bón ủ từ ốc bươu vàng này còn giúp kích thích bộ rễ cây cam ra mạnh hơn, trái cam cũng có vị ngọt, đậm đà và bán được giá hơn so với trước kia...".
Không chỉ dùng để tưới cho cây cam, phân bón ủ từ ốc bươu vàng còn bón rất tốt cho nhiều loại cây, giúp cây phát triển xanh tốt. Ông Đông không giấu giếm “tuyệt chiêu” và “bật mí” về cách làm như sau: “Con ốc bươu vàng sau khi ủ khoảng 3 tháng là có thể sử dụng làm phân bón được. Tuy nhiên, nếu mình ủ lâu hơn một chút cũng tốt. Cách thức ủ phân rất đơn giản: sau khi bắt ốc về chỉ cần bỏ vào lu đậy kín lại, sau 3 tháng con ốc tự phân hủy chỉ còn vỏ. Lúc này mình có thể vớt vỏ ra, dùng nước cốt còn lại để pha với nước làm phân bón cho cây”.
Hiện tại, với 3 lu ngâm ủ ốc bươu vàng, mỗi lu chứa khoảng 30kg ốc đã giúp ông Đông tiết kiệm chi phí phân bón đáng kể, bởi từ 1 lít nước cốt ngâm ủ ốc bươu vàng pha loãng ra được 20 lít nước phân bón. Do đó, nguồn phân bón được làm từ tự nhiên này đã giúp ông Đông thay thế cho 4 bao phân hóa học trong 1 vụ cam.
“Một vụ cam tôi có thể sử dụng 5 bao phân (1 bao phân hóa học chuyên dùng cho cây ăn trái khoảng 800.000 đồng), nhưng nhờ cách làm này, tôi chỉ còn sử dụng có 1 bao phân/vụ thôi. Rảnh rỗi mình ra ruộng bắt ốc bươu vàng đem về để ủ, một buổi sáng tôi có thể kiếm được 20kg ốc” - ông Đông chân tình chia sẻ.
Thời gian qua, tình trạng ốc bươu vàng sinh sản trên các đồng ruộng đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa. Do đó, rất nhiều nông dân lo âu và đã tốn khá nhiều chi phí để diệt loài sinh vật nguy hại này. Tại thị xã Ngã Năm, bên cạnh một số nghề mưu sinh vào mùa nước nổi như giăng lưới, đặt lờ…thì việc tận dụng ốc bươu vàng theo hướng có lợi cho nhà nông cũng được xem là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện” vừa tận diệt được sinh vật gây hại lúa, vừa mang lại thu nhập cho người dân.
Theo đó, nhiều người rảnh rỗi có thể bắt ốc bươu vàng, sau đó tiến hành sơ chế để bán cho các thương lái với giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc tận dụng ốc bươu vàng để ủ làm phân bón cho cây trồng còn chưa có nhiều người biết đến. Cách làm của ông Đông vừa tiết kiệm chi phí, khỏe cho nhà vườn, vừa bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những nhà nông ở vùng sông nước.
Tác giả bài viết: Quốc Kha
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã