Lãi suất huy động hiện nay trên địa bàn vẫn giữ mức ổn định nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng so với đầu năm.
Theo khảo sát, hiện tại, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn giữ ổn định lãi suất tiền gửi. Lãi suất huy động dưới 6 tháng bình quân dưới 5,5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng bình quân từ trên 5,5-7,2%/năm; trên 12 tháng bình quân từ trên 7,2-8%/năm. Mặt bằng lãi suất này cơ bản đã được duy trì từ khoảng cuối quý IV/2016 đến nay. Tất nhiên, mức ổn định này có sự phân hóa khá rõ ràng giữa hệ thống quốc doanh và cổ phần; trong khi các “ông lớn” như Vietcombank, BIDV, Vietinbank gần như không có bất cứ động thái nào về huy động tiền gửi và mức lãi suất cũng chỉ dao động bình quân từ khoảng 5-7%/năm thì ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức huy động luôn được vận dụng ở khung tối đa cho phép với tỷ lệ cao nhất hiện nay khoảng 8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh Hà Tĩnh, dù lãi suất chưa tăng như một số ngân hàng trên cả nước nhưng mức huy động tiền gửi trên địa bàn vẫn tăng cao so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 35.670 tỷ đồng, tăng 4,31% so với đầu năm, trong đó có đến 96,5% là loại tiền VNĐ. Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp nội bộ, Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: “Mức tăng nguồn vốn huy động vào những tháng đầu năm là phù hợp với quy luật, cao nhất trong quý I là tháng 2/2017 (+4,96%). Tuy nhiên, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần”.
Theo người đại diện của Chi nhánh NHNN tỉnh, cơ cấu kỳ hạn hiện nay khá cân bằng, dưới 6 tháng chiếm 31,96%; từ 6 tháng đến 12 tháng chiếm 30,27% và từ 12 tháng trở lên chiếm 37,77% trong tổng nguồn vốn huy động. Chính xu hướng tăng nguồn vốn huy động trung, dài hạn đã giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc thực hiện công tác cho vay phát triển nền kinh tế. Giám đốc Chi nhánh HDBank Hà Tĩnh Trần Trọng Thái cho biết: “Với nhiều ưu đãi cho khách hàng, ngân hàng tập trung thu hút ở phân khúc khách hàng có nhu cầu gửi tiết kiệm cho kỳ trung và dài hạn, nhằm đưa lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cân đối nguồn vốn cho vay hợp lý đối với ngân hàng”.
Vào thời điểm này, trong hệ thống ngân hàng, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất huy động bằng việc phát hành chứng chỉ tiền gửi. Dù không xảy ra phổ biến ở tất cả các ngân hàng và hiện tượng tăng lãi suất cũng chưa xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh nhưng những “con sóng” này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và khách hàng. Một số người kỳ vọng một kỳ tăng lãi mới về huy động vốn, song cũng không ít người tỏ ra quan ngại về những tiềm ẩn rủi ro từ phía ngân hàng. Đặc biệt là tâm lý lo lắng, băn khoăn khi tăng lãi huy động thì tạo ra áp lực lãi suất cho vay cũng tăng theo, trong khi hiện tại nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn phục hồi chậm.
Ông N.T.T - chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ cho biết: “Có khi nào “cuộc đua” về lãi suất đang “âm ỉ” trong các ngân hàng? Nếu bây giờ, ngân hàng tăng lãi suất (cả huy động và cho vay) thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, SXKD của công ty vẫn duy trì ở mức cầm chừng, tiền gần như chưa có dương trong khi lãi suất tăng nữa thì doanh nghiệp sẽ không thể vay thêm để “quay vòng” vốn”.
Giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng trong thời gian qua xuất phát trước hết là trong nội tình của nhà băng đó. Khoan xếp thứ hạng các ngân hàng, song rõ ràng những ngân hàng nhỏ hơn thì có quy mô hoạt động cũng nhỏ hơn, mức độ rủi ro cao hơn, trong khi cơ cấu nguồn vốn lại khá chênh lệch, người gửi chỉ có nhu cầu ngắn hạn nhiều hơn kỳ hạn dài. Thiếu nguồn vốn dài hạn, buộc các ngân hàng này phải trả lãi cao để hút huy động. Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, Thông tư 06/2016/TT- NHNN của Thống đốc NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng 50% số vốn ngắn hạn sang cho vay trung, dài hạn và tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống 40% vào đầu năm sau nên có thể việc phát hành chứng chỉ tiền gửi ở một số ngân hàng sẽ là cuộc “chạy đà” tìm kiếm nguồn vốn cho trung và dài hạn.
Tuy nhiên, 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng lãi suất là tỷ giá, lạm phát và thanh khoản ngân hàng những tháng đầu năm không quá căng thẳng, vì thế, việc tăng lãi suất này có thể chỉ kéo dài ngắn hạn và kỳ vọng sẽ ổn định trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã