Gặp chị Trần Thị Khương tại hội nghị điển hình tiên tiến Hội Cựu TNXP Quảng Bình giai đoạn 2010-2015, được nghe kể về tấm gương vượt khó của chị, chúng tôi cứ ấn tượng mãi về người phụ nữ có thân hình nhỏ bé nhưng nghị lực lại không hề nhỏ ấy. Với chị, nếu có nghị lực, quyết tâm cùng sự táo bạo, dám nghĩ dám làm thì việc làm giàu sẽ không khó như nhiều người vẫn nghĩ.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1971, chị Khương tham gia lực lượng TNXP chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1973 chị trở về quê hương, xây dựng gia đình và bắt đầu những tháng ngày đấu tranh với “giặc đói”, “giặc nghèo”.
Mặc dù ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình chị còn đi làm thêm các nghề phụ khác nhưng cũng không sao thoát khỏi cảnh cơm lo từng bữa. “Hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn, thiếu thốn, đến cái ăn cũng không đủ nên khi Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, vợ chồng tôi đã tích cực nhận đất hoang hóa trồng hoa màu, cây công nghiệp.
Mới đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại. Biết vợ chồng tôi nhận bãi đất hoang Lệ Kỳ để lập nghiệp, bà con, họ hàng rồi đến bạn bè ai cũng ái ngại, thậm chí không ít người ra sức can ngăn vì thấy ở đây quá hoang sơ lại sợ còn sót lại nhiều bom mìn. Nghe mãi lắm lúc vợ chồng tôi cũng thấy lo nhưng vì nghĩ nếu không “liều” thì biết khi mô mới thoát cảnh nghèo nên vợ chồng, con cái chúng tôi không ngần ngại dắt díu nhau lên đó lập nghiệp”, chị Khương tâm sự.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, ban đầu, vợ chồng chị trồng rau màu để chống đói, bảo đảm nguồn lương thực cho cả gia đình. Sau một thời gian, tích lũy được chút vốn từ việc bán rau màu, vợ chồng chị Khương ươm cây để bán. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, việc ươm cây của chị khá thuận lợi. Năm đầu tiên, vườn ươm của gia đình chị cho thu nhập 7-8 triệu đồng.
Đến năm thứ hai kết hợp mở rộng quy mô, gia đình thu từ 30 đến 50 triệu đồng. Mỗi năm vườn ươm của chị cung cấp hàng triệu cây giống cho địa phương cũng như các vùng lân cận. Tuy nhiên, việc ươm cây cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên có năm gặp thiên tai, lũ lụt, vườn ươm của chị bị thất thu không ít. Nhưng với phẩm chất của người TNXP được tôi luyện trong chiến đấu, không gì có thể làm chùn bước, hai vợ chồng chị lại động viên cùng nhau cố gắng. Dường như càng gian khổ, quyết tâm của người phụ nữ ấy càng mãnh liệt. Và với sự quyết tâm ấy, vợ chồng chị đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn để vươn lên làm giàu, có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, tài sản lớn nhất của nữ cựu TNXP Trần Thị Khương chính là niềm tin vào bản thân và tinh thần dám đối đầu với những khó khăn, thử thách đã được tôi luyện trong thời gian tham gia TNXP. Thành công với mô hình vườn ươm, chị quyết định bắt tay vào trồng rừng. Từ năm 1990 đến năm 2000, vợ chồng chị tham gia nhiều dự án trồng rừng như 2780, 4304, dự án trồng rừng chống cát bay ven biển nam Quảng Bình.
“Từ đó đến nay, trải qua không ít khó khăn, vất vả, gia đình tui đã trồng được 200 ha rừng cho Nhà nước. Vợ chồng tui cũng sở hữu trong tay 80 ha keo tràm và 5 ha cao su đang phát triển tốt”, chị tự hào chia sẻ.
“Thừa thắng”, chị Khương bàn với chồng tiếp tục mở rộng quy mô trang trại bằng việc phát triển thêm chăn nuôi. Thấy hợp lý, anh chị nhanh chóng bắt tay nuôi thêm lợn, gà. Hiện nay, trang trại của chị có 70 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt và trên 10.000 con gà. Với quy mô phát triển kinh tế trang trại, mỗi năm gia đình chị Trần Thị Khương thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ngoài làm giàu cho gia đình, trang trại của chị còn góp phần tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng. Đến mùa vụ, số lao động làm tại trang trại còn tăng lên khoảng 200 người, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho nhiều người với mức thu nhập khá.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Khương còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống bằng việc chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho những ai muốn học hỏi. Gia đình chị luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “5 không, 3 sạch”... Hàng năm, chị luôn là hội viên xuất sắc.
Từ một cựu TNXP trong tay không một tài sản giá trị đến bà chủ trang trại với thu nhập lên đến vài trăm triệu mỗi năm là một cuộc hành trình dài với ý chí và nghị lực phi thường, luôn quyết tâm học hỏi, phấn đấu vươn lên, kiên quyết và dũng cảm vượt khó, lúc nào cũng khắc ghi trong tim lời Bác Hồ dạy “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.
Từ hai bàn tay trắng, nữ cựu TNXP Trần Thị Khương đã biến vùng đất hoang hóa Lệ Kỳ năm nào thành rừng keo, rừng tràm xanh tốt, biến sức lực thành của cải làm giàu cho gia đình, cho địa phương. Chị xứng đáng là điển hình làm kinh tế giỏi của huyện, của tỉnh, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Đặc biệt, trang trại của chị Khương đã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm.
Theo baoquangbinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã