Từ 2.500m2 công đất ruộng do cha mẹ chia, ông Phùng Ngọc Chương (tức ông Tám Chương) - một cựu chiến binh, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Phước Hậu, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã làm chủ khu vườn hơn 4.000m2 trồng bưởi da xanh chuyên canh.
Năm 1985, khi rời quân ngũ về địa phương, cuộc sống gia đình ông luôn gặp nhiều khó khăn. Ruộng đất ít, trồng cây dừa giá thấp, rồi chuyển sang cây mận, nhãn… đầu ra bấp bênh. Vợ chồng người cựu chiến binh này phải đi làm thuê để nuôi 3 con ăn học.
Năm 1996, thấy cây bưởi da xanh có triển vọng, có thể bén rễ trên vùng đất Bến Tre, nên ông mua 40 gốc về trồng thử nghiệm tại đất nhà. Nhờ cần cù lao động, tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác nên cây bưởi da xanh ngày càng tươi tốt và sai trái. Từ đó, ông mạnh dạn vay mượn vốn, đầu tư trồng cây bưởi da xanh trên toàn bộ diện tích ruộng của gia đình.
Điểm nổi bật trong việc trồng cây bưởi của ông Phùng Ngọc Chương là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Đặc biệt, để cho vườn bưởi cho trái quanh năm, ông áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc “xử lý” như nhiều nông dân khác. Phương pháp này, năng suất trái bưởi đạt cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây.
Vườn bưởi da xanh trồng theo hướng Gap của ông Chương sau 3 năm cho thu hoạch rộ. Cứ nửa tháng thu hoạch một lần, với năng suất khoảng nửa tấn trái. Do chất lượng trái bưởi đạt cao, nên thương lái đến tận khu vườn của ông để thu mua với giá cao hơn các vườn bưởi khác từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá trái bưởi bán ra trung bình là 40.000 đồng/kg, vào thời điểm cận Tết cổ truyền giá tăng lên đến 60.000 đồng/kg.
Từ nguồn vốn tích góp được từ 2 công bưởi da xanh, vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương sang nhượng thêm 2.000m2 đất ruộng của người dân lân cận để tiếp tục trồng cây ăn quả này. Đến nay, vườn bưởi da xanh này có cây từ 5-7 năm tuổi, có cây đến gần 20 năm tuổi nhưng rất tốt tươi, trĩu quả.Từ vườn bưởi, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng. Gần đây, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân huyện Châu Thành chọn làm “mô hình kiểu mẫu” giới thiệu cho nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Phước cho biết, đối với các hộ dân trên địa bàn trồng bưởi da xanh, mô hình trồng của chú Tám Chương rất đạt hiệu quả. Chú là một nông dân tiêu biểu để hội nông dân đề xuất tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Mô hình của chú đạt chất lượng, năng suất, hiệu quả rất cao. Một năm, diện tích bưởi của chú đạt trên 28 tấn, cao hơn các hộ dân khác.
Không chỉ tích cực chăm lo lao động sản xuất vươn lên làm giàu, vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương còn là tấm gương trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, và được công nhận gia đình hiếu học. Hiện, 3 con của ông bà đều đã tốt nghiệp đại học. Trong đó có 2 con trai đang làm việc ở các công ty của Nhật Bản với thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng/người.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, ông Phùng Ngọc Chương là một hội viên cựu chiến binh rất tiêu biểu của địa phương, mà hội viên khác cần học hỏi noi theo.
Dù cuộc sống gia đình đã khá giả, nhưng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương vẫn chưa hài lòng với những gì đang có. Ông cho biết vừa sang nhượng thêm hàng nghìn mét vuông đất để tiếp tục trồng bưởi da xanh, đồng thời tích cực chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các nông dân khác trồng bưởi theo hướng Gap.
"Động lực mình chịu khó làm là để có điều kiện cho các con ăn học trở thành người có đức có tài giúp ích cho xã hội. Hướng tới, mình tập trung chăm sóc nuôi dạy con cháu. Còn cây bưởi da xanh thì mình vẫn tiếp tục, cải tạo, chăm sóc. Mình vừa mới mua 2 công đất tiếp tục trồng phát triển mô hình Gap, không bỏ bưởi da xanh", ông Chương cho hay.
Từ chăm lo lao động sản xuất, đến nay gia đình cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương ở xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã vươn lên khá giả và nuôi con ăn học thành người hữu ích. Người cựu chiến binh về địa phương đã phát huy tinh thần “bộ độ cụ Hồ”, bằng đôi tay, khối óc của mình vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu rất đáng được biểu dương và nhân rộng./.
Tác giả bài viết: Nhật Trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã