Chúng tôi bước vào nhà ông Nguyễn Viết Thành dưới chân núi Bu À thuộc xóm Hùng Thịnh (xã Phú Sơn - Tân Kỳ, Nghệ An). Căn nhà được dựng đơn sơ, phía trước được thưng bằng mấy tấm ván ông nhặt nhạnh được. Vậy mà nghe đồn ông có tài sản khổng lồ nên trước khi đến chúng tôi nghĩ ông phải có một dinh thự tọa lạc giữa đại ngàn.
Đang loay hoay sửa lại chiếc máy bơm hỏng, ông ngước lên hỏi: “Các anh đến làm gì vậy?” Nghe khách trần tình về việc tìm hiểu khu rừng Bu À, ông bỏ dở chiếc máy bơm rồi nói thao thao về khu rừng của mình. Mái tóc đã lốm đốm bạc nhưng giọng nói của ông thì hào sảng. Hơi bất ngờ, anh Nguyễn Viết Tuấn, con trai ông ngồi bên cười với chúng tôi: “Tính bố tôi là vậy đó, đã nói về rừng thì cả ngày cũng không hết”.
Khu rừng Bu À rộng gần 300 ha là nơi ông Nguyễn Viết Thành bảo vệ và thả khỉ vào đó. Ảnh: Đào Thọ
Khi nghe chúng tôi đề cập đến câu chuyện ông lặn lội khắp nơi mua và thả khỉ về rừng, ông cười kể lại: Cách đây mấy năm, thấy người dân săn bắn khỉ nhiều quá, ông nhìn mà xót. Hễ nghe ai vừa bắt được khỉ là không quản trời nắng hay mưa ông lại tìm đến nơi mua về. Có thời điểm ông mua được 6 con trong đó có loài quý hiếm như khỉ mặt đỏ, khỉ mặt trắng...
Đem về chăm sóc được một thời gian khi đàn khỉ đã khỏe lại, ông đưa chúng vào rừng và thả về với thiên nhiên. Có những lần ông thả xong, khỉ lại bị người đi săn bắt về. Nghe tin, ông lại tìm đến chuộc và thả chúng về với tự nhiên.
Thỉnh thoảng vào rừng Bu À có thể bắt gặp những chú khỉ do ông Nguyễn Viết Thành thả. Ảnh: Đào Thọ
“Có người hỏi tôi, ông làm vậy là vì mục đích gì? Thực sự nghĩ cũng buồn, có người cho là tôi thích nổi tiếng, chơi ngông. Nhưng tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng, một thằng nghèo như tôi mà còn dám bỏ từng ấy tiền ra để mua khỉ và thả về rừng thì chỉ mong họ đừng lên đó mà săn bắn nữa. Đơn giản thế thôi” - Giọng ông Thành đanh lại.
Với rừng, quả thực ông Thành có một tình yêu vô bờ bến. Qua lời ông chúng tôi được biết, trước năm 1993 khu rừng Bu À này trước đây bị khai thác gần như cạn kiệt. “Bản thân tôi trước đây cũng là 1 thằng phá rừng. Nhưng sau đó nghĩ lại thì mình làm thế là không được nên năm 1993 tôi về đây nhận 298 ha rừng này để bảo vệ. Bây giờ thì anh thấy đó, đây là khu rừng vào loại đẹp nhất ở tỉnh này. Tôi dám nói như thế”- ông tâm sự và khẳng định.
Một chú khỉ vừa được ông Thành thả vào rừng. Ảnh: Đào Thọ
Nói về chuyện này, ông nhớ lại: Trước năm 1993, ở cái tuổi còn trẻ, ông cùng đám bạn rong ruổi trên khắp các cánh rừng có gỗ quý để khai thác. Những cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc và trốn tránh lực lượng chức năng để đưa đi tiêu thụ. Ông cũng không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng để khai thác gỗ trái phép, chỉ nhớ rằng những nơi ấy sau 1 trận tàn phá còn trơ lại gốc, trở nên hoang tàn.
“Bao nhiêu lần phải trốn tránh lực lượng chức năng và tôi cảm thấy mình sao nhục nhã đến thế. Hai tiếng "lâm tặc" cứ ám ảnh tôi không dứt. Đã vậy, tuổi trẻ cũng chẳng đưa được đồng tiền nào về cho gia đình. Một cảm giác tội lỗi đè nặng trong lòng. Và rồi sau 1 ngày suy nghĩ, tôi thấy mình cần phải thay đổi, cần làm lại tất cả để khắc phục những gì mình đã gây ra cho các cánh rừng. Năm 1993, tôi bỏ làng vào đây ở 1 mình nhận chăm sóc, bảo vệ 298 ha rừng Bu À này, coi như đó là 1 cách để bù lại cho những năm tháng nông nổi” – ông ngậm ngùi tâm sự.
Ngoài khỉ, trong rừng Bu À ông Nguyễn Viết Thành còn thả hàng trăm con lợn rừng. Ảnh: Đào Thọ
“Ngày tôi về đây làm lán trại ở 1 mình ai cũng bảo tôi là “có vấn đề”, là Rô-bin-xơn...Nhưng tôi không quan tâm, 1 mình hàng ngày lên rừng chăm sóc, bảo vệ rồi cải tạo ao nuôi cá, thả lợn rừng…” – ông cười chia sẻ.
Mà quả thực việc làm của ông cũng “chẳng giống ai”. Trên 298 ha rừng ông nhận khoanh nuôi bảo vệ, ông thả lợn rừng vào và bây giờ cũng chẳng nhớ là lợn của mình có bao nhiêu con đang ở trên đó nữa. Lợn rừng được ông Thành thả hoang như vậy, cứ chiều và sáng ông lại chuẩn bị sẵn thức ăn để đói thì chúng tự về ăn.
Nhìn khu rừng Bu À của ông Nguyễn Xuân Thành, chúng tôi mới hiểu ông yêu và quý rừng như thế nào. Và quả thật, ông cũng là người sở hữu “kho vàng xanh” vô giá trên mảnh đất vùng cao đầy gian khó này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã