Ông Trần Hữu Huệ (68 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) vốn làm ruộng nhưng từ nhỏ đã có thú say mê sưu tập tem. Ông Huệ nổi tiếng trong giới chơi tem nhờ sở hũu nhiều con tem quý. Ông cũng là nhà sưu tập tem đầu tiên ở miền tây đưa con tem Hoàng Sa và Trường Sa ra thế giới, quảng bá đất nước qua con tem.
Ông Huệ cho biết lâu nay ông đã sưu tập hàng trăm con tem quý về Hoàng Sa và Trường Sa, cuối năm 2014 đến nay ông đã gửi hàng trăm bì thư có dán tem Hoàng Sa, Trường Sa đến hàng trăm nước trên thế giới, với mục đích lấy dấu nhật ấn của các nước. Và khi nhận được các bì thư có chứng thực của nhiều nước, ông sẽ tạo bộ sưu tập tem riêng với nhan đề “thế giới công nhận Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” qua con tem bưu chính.
Bộ tem ông Huệ đưa ra thế giới là bộ tem gồm 2 mẫu “Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII, XVIII” và “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ”. Bộ tem này do họa sĩ Trần Lương thiết kế được in vào đầu năm 1988 tại Xí nghiệp in tem Bưu Điện, khuôn khổ in 43x32mm, in offset hai màu. Trong đó, mẫu tem “Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII, XVIII” mệnh giá 10 đồng/tem, còn mẫu tem “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ” mệnh giá 100 đồng/tem.
Ông Huệ kể trước đó, ông đã sưu tập được hàng chục bì thư có tem Hoàng Sa và Trường Sa được đóng dấu bưu điện. Ông quyết tâm sưu tập các bì thư có mẫu tem này để tạo nên bộ sưu tập tem Hoàng Sa và Trường Sa trong nước. Rồi cũng từ đấy, ông Huệ nảy ra ý định tạo nên bộ sưu tập tem Hoàng Sa và Trường Sa quốc tế bằng cách gửi các bì thư mà trên đó có dán tem Trường Sa và Hoàng Sa đến các nước.
Nghĩ là làm, ông Huệ tìm lại địa chỉ của các bạn chơi tem quốc tế. Ông lên mạng tìm địa chỉ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước và bắt đầu hành trình gửi bì thư có dán tem Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Huệ nói trong các bì thư ông ghi chú dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh đề nghị những bạn hữu, các đại sứ quán khi nhận được bì thư có dán tem Hoàng Sa và Trường Sa đã được đóng chứng thực của chính quyền sở tại xin vui lòng cho vào phong bì mới, gửi lại dùm, nếu đóng được dấu nhật ấn của bưu điện sở tại thì càng quý hóa. Theo ông Huệ, trong bì thư gửi đi ông kèm theo bì thư mới có dán tem sẵn và ghi địa chỉ họ tên ông để người nhận bỏ bì thư có tem Hoàng Sa, Trường Sa vào bì thư mới gửi lại cho ông. Ông nói, để khỏi làm phiền lòng người nhận, ông đã gửi kèm theo vài con tem "sống" tặng người nhận để họ vui lòng bỏ thời gian ra bưu điện gửi lại.
Ông Huệ cho biết đây là việc không phải nhà sưu tập tem nào cũng làm được vì tốn thời gian và công phu. Để làm được chuyện này ông tốn công sưu tập được hàng trăm con tem sống Hoàng Sa và Trường Sa mới đủ số lượng dán lên bì thư. Một bì thư gửi đi có khi gửi đi hơn 10 tháng mới nhận được phản hồi, buồn nhất là khi gửi đi không được hoàn lại nên xem như ông mất con tem quý.
Ông Huệ nhớ rõ, địa chỉ ông gửi thư đầu tiên là một phụ nữ Pháp và chị này đã gửi bì thư đã được chứng thực lại cho ông. Ông Huệ nhẩm tính, gần 4 năm, đến nay ông đã hoàn nhận 76 bì thư có tem Hoàng Sa - Trường Sa có chứng thực và dấu nhật ấn của 60 nước. Trong đó, có nhiều bì thư khi ghi lại phản hồi như “Tôi rất vui nhận được thư của ông và đánh giá cao sáng kiến quảng bá tem Hoàng Sa và Trường Sa của ông”. Ông Huệ tâm sự, ông đang hồi hộp chờ nhận thêm các bì thư khác.
Ông Huệ cho biết bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa đã phát hành 30 năm nhưng đến nay giới chơi tem vẫn đánh giá đây là 2 mẫu tem quý vì họa sĩ Trần Lương đã thổi hồn vào từng con tem thể hiện từng nét vẽ gần như trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của đất nước ta. Và bây giờ chúng đã trở thành những con tem quý…