Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh (bài 1): “Ăn xổi ở thì”!
Cơ quan quản lý chưa “tròn vai”
Trước hết, liên kết sản xuất "vỡ" trước hết do người sản xuất hoặc tổ chức đại diện cho người sản xuất (tổ hợp tác, HTX, chính quyền cấp xã) chưa đánh giá đúng tiềm lực doanh nghiệp mà đã vội vàng “nhập cuộc”.
Thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp chỉ cung ứng đầu vào, còn đầu ra thì “thả nổi”. Từ đây, đặt ra vấn đề chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đã làm tròn trách nhiệm trong khảo sát, đánh giá, thẩm định tính hiệu quả mô hình, để có khuyến cáo, định hướng, tham vấn kịp thời cho người sản xuất trong khi họ chưa trang bị đầy đủ kiến thức về kinh tế thị trường hay chưa?
“Nói đến sản xuất liên kết là nói đến hợp đồng kinh tế nhằm tạo ràng buộc pháp lý để nếu xảy ra đổ vỡ sẽ có “tòa” kinh tế xét xử. Chính quyền nhiều địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo, tư vấn, định hướng pháp luật để xây dựng hợp đồng kinh tế đúng nghĩa cho các mô hình liên doanh liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Những hợp đồng được soạn thảo trong các mô hình liên kết thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đơn thuần là văn bản hành chính, không có giá trị pháp lý. Thậm chí, có mô hình triển khai chỉ qua “thống nhất miệng” – ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho hay.
Nhìn chung, các mô hình liên kết ở Hà Tĩnh chủ yếu chỉ là ràng buộc lỏng lẻo giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thiếu sự hậu thuẫn vững chắc từ chính quyền và cơ quan chức năng. Thậm chí, người dân bắt tay với doanh nghiệp, chính quyền không hay biết. Mô hình cà gai leo ở xã Phúc Đồng (Hương Khê) là một ví dụ. Tháng 3/2018, khi phóng viên về tìm hiểu nguyên nhân đổ vỡ mô hình, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng ngạc nhiên: “Chính quyền địa phương không nhận được thông báo nào từ các tổ chức, cá nhân về mô hình liên kết sản xuất cà gai leo trên địa bàn”.
Mặt khác, khi liên kết "vỡ", chính quyền địa phương cũng bất lực. Hợp đồng liên kết giữa HTX Chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam, chi nhánh Tây Ninh (Bình Dương) có sự chứng kiến của UBND phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh). Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phá hợp đồng, chính quyền không có hướng xử lý. Ông Lê Văn Chương – Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương cho hay: “Vấn đề bao tiêu sản phẩm hai bên thống nhất với nhau, doanh nghiệp không nằm trên địa bàn nên chính quyền cơ sở rất khó can thiệp”.
Cần nhìn nhận nghiêm túc về liên kết
Sản xuất liên kết cần được hiểu đầy đủ theo phương diện kinh tế, từ yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất đến thu mua sản phẩm, trên cơ sở hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sản xuất. Tuy nhiên, liên kết ở Hà Tĩnh thời gian qua phần lớn tự phát, dễ thất bại.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Liên kết muốn thành công, đầu tiên cần củng cố, nâng cao năng lực hoạt động kinh tế của tổ chức đại diện cho người sản xuất (tổ hợp tác, HTX, tổ liên gia). Thứ nữa, cần có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương các cấp trong việc tư vấn pháp luật cho tổ chức đại diện người sản xuất. Trong đó, phải xác định xây dựng hợp đồng kinh tế chứ không phải là văn bản hành chính để nếu xảy ra bất trắc, sẽ có “tòa” kinh tế xử lý”.
“Nhận diện” doanh nghiệp cũng là điều quan trọng. Khi doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác, chính quyền địa phương, tổ chức đại diện cho người sản xuất... cần xem doanh nghiệp đó có đủ mạnh hay không? Nguồn vốn, thị trường ra sao và tham gia liên kết ở công đoạn nào? Thậm chí, phải đến tận nơi xem doanh nghiệp làm ăn thế nào mới tính đến chuyện hợp tác. Tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ bán vật tư đầu vào, không có cơ sở thu mua sản phẩm và tránh công ty “ma”... Về lâu dài, các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều tới doanh nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ “đủ lớn” để đồng hành có trách nhiệm cùng người sản xuất trong chuỗi liên kết” – ông Thanh nhấn mạnh.
Khi doanh nghiệp cơ bản đáp ứng các yêu cầu liên kết thì người sản xuất phải nâng cao ý thức sản xuất theo hướng hàng hóa, “thủy chung” với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hải – Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trung Du (Phú Thọ) thẳng thắn: “Chúng tôi liên kết trồng cà gai leo ở một số địa phương của Hà Tĩnh. Thực tế cho thấy, “tư duy dự án” vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của nông dân Hà Tĩnh. Họ mặc định có dự án hỗ trợ nên ỷ lại, chưa xác định làm cho mình, không mặn mà chăm sóc theo quy trình kỹ thuật dẫn đến sản phẩm chưa đạt chất lượng, thu hoạch thì tùy tiện bán sản phẩm ra ngoài... Nếu người sản xuất không xác định nghiêm túc về liên kết thì khi dự án kết thúc cũng là lúc mô hình đi vào ngõ cụt”.
Theo Thu Phương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã