Nông dân thiếu mặn mà
Tổ hợp tác Hồng Bắc 1, xã Thạch Trị (Thạch Hà) có tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả trên cát 2,2 ha. Năm nay, thay vì liên kết sản xuất với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh như kế hoạch, tổ hợp tác lại bắt tay với một DN ngoại tỉnh để trồng ớt cay. Chị Nguyễn Thị Nga - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất theo đơn đặt hàng của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi triển khai, đối tác yêu cầu sản xuất cây hành lá chứ không phải củ cải như những năm trước trong khi chúng tôi chưa được làm quen với đối tượng cây trồng mới này”.
Chẳng riêng gì Tổ hợp tác Hồng Bắc 1, vụ sản xuất đông xuân này, huyện Thạch Hà triển khai gần 20 ha rau, củ, quả trên cát thì tất cả đều “cắt đứt” với liên kết đã được bàn bạc trước đó.
Những ngày này, HTX Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (thôn Đại Hòa, xã Cẩm Hòa - Cẩm Xuyên) đang tất bật hoàn tất thu hoạch lứa củ cải đầu tiên của vụ đông xuân. Thời tiết thuận lợi đã giúp đồng rau của HTX giành thắng lợi hơn bao giờ hết. “Năng suất củ cải đạt khoảng 30 tấn/ha, hiện chúng tôi vẫn sản xuất theo hợp đồng ký kết với Tổng Công ty KS&TM. Riêng hành lá, chúng tôi có một ít diện tích nhưng không liên kết với DN" - Giám đốc HTX Trần Viết Chu cho biết.
Tâm lý chung của người nông dân là e ngại với đối tượng cây trồng mới vì phải làm quen với quy trình kỹ thuật. Theo đó, một là từ bỏ liên kết hoặc từ bỏ đối tác mà trước đó đã bàn tính.
Trong khi thị trường hành lá "rộng cửa" thì Mitraco lại không thể ký hợp đồng liên kết như kế hoạch |
Doanh nghiệp “lỡ nhịp”
Theo kế hoạch, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh cam kết bao tiêu liên kết cho khoảng 200 ha rau, củ, quả từ các HTX, tổ hợp tác. Thế nhưng, kết quả của các cuộc đàm phán hiệp thương chỉ dừng lại con số khiêm tốn, bằng 1/4 kế hoạch.
Ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết: “Hiện nay, thị trường hành lá đang rất rộng mở. Chúng tôi đã kết nối với một số đầu mối lớn, bên cạnh đó, Tổng Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến và hệ thống sấy hiện đại sẽ tạo điều kiện để xây dựng chuỗi sản phẩm hiệu quả. Tuy nhiên, người sản xuất lại không mặn mà, các HTX, tổ hợp tác từ chối liên kết sản xuất hành lá và nhu cầu của họ lại là củ cải. Trong khi đó, chúng tôi lại gặp khó khăn khi thị trường không lựa chọn”.
Bài học của việc sản xuất không theo thị trường chưa xa. Khi dự án mới bắt đầu, toàn bộ diện tích chỉ ưu tiên trồng củ cải. Dù chất lượng tốt, hình thức đẹp nhưng sản phẩm của Hà Tĩnh cũng không thể giành ưu thế trên thị trường khi cây trồng này vào chính vụ.
Được biết, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đang có kế hoạch xây dựng những tổ hợp tác vệ tinh, sử dụng người đã từng làm ở công ty đứng ra tổ chức sản xuất để vừa giữ mối liên kết với Tổng Công ty, vừa có thể chuyển giao cho bà con nông dân về sau. Có người cho đây là sáng kiến hay, có người lại xem là dấu hiệu lỏng lẻo trong liên kết giữa DN và nông dân.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã