Một trong những câu chuyện của ngành nông nghiệp làm nóng dư luận tuần qua là cuộc “giải cứu” củ cải. Cuộc “giải cứu” này gần như đã hạ nhiệt ngay sau khi hàng loạt siêu thị như Big C, Vinmart, Fivimart, Intimex, Qmart… vào cuộc. Tuy vậy, nỗi lo giải cứu chắc chắn vẫn luôn ám ảnh với ngành nông nghiệp, bởi theo nhiều chuyên gia khi mà mối liên kết tiêu thụ nông sản vẫn còn rất lỏng lẻo như hiện tại thì câu chuyện giải cứu nông sản vẫn còn tái diễn.
Tất nhiên đây không phải lần đầu công cuộc giải cứu nông sản được phát động. Đúng vụ nông sản lại thừa ế bán rẻ như cho là thực trạng dai dẳng suốt thời gian qua. Nào là dưa hấu, hành tím, su hào, củ cải… mặt hàng nào cũng có nguy cơ ế thừa mỗi khi được mùa. Câu chuyện cung vượt quá cầu khi mà công nghiệp chế biến chưa đủ mạnh để ngốn hết những nông sản kia thì ùn ứ nông sản là điều được báo trước. Nhưng thực tế có phải cung nông sản đã vượt quá cầu khi các “ông lớn” siêu thị vào cuộc dường như củ cải ế thừa đã hạ nhiệt!
Rõ ràng câu chuyện đặt ra ở đây chính là sự lỏng lẻo trong chuỗi tiêu thụ nông sản dẫn đến việc những người nông dân một nắng hai sương vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Phải tìm lối ra cho nông sản, bớt đi những nỗi cay cực của nông dân là điều cấp bách. Nhưng điều này đâu dễ thực hiện.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, có từ 90 đến 95% sản phẩm nông nghiệp của người dân bán cho thương lái, số hàng hóa ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN) rất ít, dẫn tới bị thương lái ép giá. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân vẫn lỏng lẻo, việc ký kết hợp đồng với DN cũng chưa chặt chẽ, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân là người dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài.
Mặt khác, DN tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để mở rộng các loại hình dịch vụ hoặc ứng vốn cho người dân vào vụ sản xuất mới nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định. Khi ký hợp đồng cả doanh nghiệp và người dân mới chỉ tập trung vào số lượng, thanh toán, giao hàng mà chưa chú trọng tới việc giải quyết tranh chấp, phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Nên khi có việc xảy ra, hợp đồng rất dễ bị phá bỏ. Chính vì vậy, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và DN là yêu cầu bức thiết để hạn chế tình trạng nông sản mất giá, đầu ra không ổn định.
Để các bên thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng ràng buộc trách nhiệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế cho DN khi liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích DN xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nông sản bảo đảm có lợi cho người dân.
Ông Nam cũng cho biết, Bộ NNPTNT đã giao cho Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật rà soát tổng diện tích gieo trồng rau trên cả nước để tính toán diện tích, sản lượng, cân đối cung - cầu nhằm đưa những khuyến cáo cho nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với DN mới bảo đảm đầu ra ổn định, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định để các bên cùng có lợi.
Qua chặng đường 5 năm tự làm mới bản thân, ngành nông nghiệp bắt đầu đón trái ngọt và bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Theo đó, xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp lần đầu tiên mang về tới 36,37 tỷ USD, trong đó có nhiều mốc kỷ lục như xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mức 8,32 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (đạt 2,6 tỷ USD). Đặc biệt, thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp là 8,55 tỷ USD, vượt năm 2016 trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, đằng sau những trái ngọt đầu mùa của tiến trình tái cơ cấu vẫn còn đó những câu chuyện đắng lòng từ nông dân…
Tái cơ cấu, đích cuối cùng vẫn phải là nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, để không còn những chuyện buồn, người dân chán ruộng, bỏ nghề nông vẫn âm thầm diễn ra nếu không có những giải pháp thật căn cơ cho ngành trụ đỡ này.
Bà Bùi Thị An.
Chủ động vào cuộc
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội), việc liên kết giữa người nông dân với những người làm công tác phân phối, lưu thông theo chủ trương của Chính phủ là chủ trương đúng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Đảng về kinh tế tập thể. Người ta hay nói đến mối liên kết bốn nhà, nhưng thực chất, trong những năm qua, chúng ta chưa có mô hình đủ sức thuyết phục người dân. Chúng ta dần phải chấp nhận thực tế là không có một mô hình duy nhất cho các loại hình sản phẩm mà mỗi một loại sản phẩm phải có một mô hình sản xuất. Cho nên, nếu không mở rộng phạm vi sáng tạo của người nông dân và hướng dẫn người nông dân tham gia vào quá trình chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp thì chúng ta sẽ thấy phần thiệt thòi luôn thuộc về nông dân.
Câu chuyện tiêu thụ nông sản trong thời gian qua rất được quan tâm. “Chúng ta đã có các giải pháp liên kết bốn nhà trong tiêu thụ sản phẩm nhưng dường như mới định ra định hướng. Những vấn đề lớn cần giải quyết như quy hoạch, kế hoạch, tìm hiểu thị trường, phối hợp, có chính sách hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm… chưa có kết quả” - bà An nói và nhấn mạnh, để cạnh tranh với nước ngoài, hàng hóa đòi hỏi phải có chất lượng, hợp thị hiếu hoặc có phương pháp dự báo, nhưng phần lớn chúng ta để tự nông dân tự tìm hiểu, tự giải quyết cho nên gặp nhiều khó khăn vì giải quyết những vấn đề đồng bộ, dài hạn đó chưa sát sao, chưa thống nhất. Thứ hai, công tác phối hợp với địa phương cũng cần chú trọng. Người dân làm theo tự phát thấy cây gì có giá thì chạy theo. Cứ như thế, điệp khúc được mùa mất giá lại tiếp tục.
“Theo tôi, các bộ, ngành địa phương phải vào cuộc đồng bộ, cương quyết. Còn chuyện liên kết giữa nông dân và DN yếu, rõ ràng do ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân không tốt. Khi DN ký hợp đồng với nông dân, giá nông sản thấp hơn, DN bỏ. Còn nông dân, khi giá lên cao hơn cũng bỏ DN. Do đó, cần cơ chế ràng buộc, hợp đồng mang tính pháp lý, chứ không phải là hợp đồng ghi nhớ”- theo bà An.
Ông Cao Sỹ Kiêm.
“Bà đỡ” cho nông sản
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm, về lý do DN Việt Nam chưa mặn mà đối với các mặt hàng nông sản, một trong những vấn đề, là chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa quá nhanh. Và sau khi chúng ta tiến hành cổ phần hóa thì chúng ta không đủ sức để hình thành các DN như SaigonCoopmart, để làm khâu “bà đỡ” kết nối người nông dân với thị trường. Cho nên người nông dân phải một mình “bươn chải” trong thị trường mà nó mới hình thành.
“Theo tôi, một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta đã không thực hiện được khâu kinh tế tập thể, phân chia quyền lợi ở trong khâu phân phối lưu thông. Điểm yếu nhất của chúng ta là sự liên kết ở hai khâu: sự liên kết của nhà khoa học với người nông dân và khâu thứ hai là khâu liên kết của người nông dân với thị trường. Trong liên kết đó, nếu chúng ta không lấy người nông dân là trung tâm mà đặt nó vào trong một liên kết ngang thì sẽ không có tác dụng”- ông Kiêm nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã thực hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm khâu trung gian kết nối hợp đồng giữa nông dân với DN, trong đó hợp đồng ghi rõ quyền, trách nhiệm của hai bên một cách hài hòa và các quy định xử lý vi phạm. |
Nguyên Khánh/đaioanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã