Trong sản xuất nông nghiệp, có nhiều yếu tố tác động đến năng suất và chất lượng sản phẩm nhưng phân bón luôn đóng vai trò quan trọng. Theo tính toán thì chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay và trung bình sử dụng phân bón quyết định 50% tổng sản lượng cây trồng tăng lên hàng năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng, mang lại năng suất cao thì ngoài việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón đảm bảo chất lượng, còn rất cần những kiến thức khoa học trong sử dụng sao cho hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo năng suất, bảo vệ môi trường, mang lại sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nông dân đang lãng phí 2 tỷ USD/năm vì sử dụng phân bón không hợp lý. Ảnh: nuoitrong123.com.
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thực tế sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cho thấy, việc sử dụng hóa chất và phân bón trong sản xuất còn thể hiện nhiều bất cập, đó là: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi không theo khuyến cáo, lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng các loại thuốc BVTV không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Bón phân thiếu cân đối các thành phần, chưa phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng, bón thừa, bón thiếu và đặc biệt là tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn xuất hiện và tồn tại trên thị trường. Những bất cập trên không những làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất mà còn gây thoái hóa tài nguyên đất đai, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái.
Con số PGS.TS.Phạm Quang Hà đưa ra hẳn sẽ khiến nhiều người giật mình vì sự lãng phí lâu nay nông dân vẫn ném vào đất. Theo thống kê, hàng năm Việt Nam lãng phí trên 5 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 2 tỷ USD. Không chỉ lãng phí, bón đạm nhiều còn làm chua hóa đất, tăng tính di động của nitrat, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và nông sản; làm tăng phát thải các khí chưa nitơ (NH3 và N2O), trong đó N2O là khí nhà kính có sức làm nóng gấp 310 lần so với CO2.
“Đó là chưa kể hiện nay nông dân đang ở trong một “mê hồn trận” các nhãn hiệu phân bón, loại nào cũng được quảng cáo những lời có cánh nên bà con không biết đâu là lựa chọn hợp lý. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không chỉ lãng phí tiền của nông dân mà còn có tác động xấu đến môi trường”, ông Hà nói.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết, mỗi năm lực lượng chức năng thu giữ hàng chục ngàn tấn phân bón giả, kém chất lượng hoặc ghi nhãn không đúng. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 878 vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, thu phạt hành chính trên 10,6 tỷ đồng; thu giữ xử lý, tiêu hủy 277.454kg và 132.806 gói, 10.143 chai phân bón các loại, trị giá tịch thu ước trên 39,7 tỷ đồng. Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi: Ghi nhãn mác lập lờ để đánh lừa người tiêu dùng hoặc in bao bì giống các doanh nghiệp làm ăn chân chính rồi đóng phân bón không đảm bảo chất lượng vào; đóng bột đá vào bao bột mỳ quá hạn sử dụng, sau đó dùng bột đá để ép phân bón giả hoặc trộn phân bón giá rẻ vào phân bón được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ…
Để sử dụng phân bón hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, ông Hà cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, riêng với phân bón nên tiết kiệm từ 5 – 10%; tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến; đồng thời có quy định rõ ràng về ghi nhãn mác hàng hóa; tăng chế tài xử phạt đối với những vi phạm thay vì dừng lại ở mức xử phạt hành chính như hiện nay...
Theo PGS.TS. Nguyễn Như Hà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các ngành chức năng và địa phương cần làm tốt công tác quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón, tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; cần quan tâm trang bị các kiến thức cần thiết về sử dụng phân bón hiệu quả cho người lao động trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh phân bón…
Theo Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã