Việc thường ngày của ông Giáp Văn Trường.
Chừng bảy năm trước, tôi đã gặp ông Giáp Văn Trường khi đang làm nghề ở dòng sông cổ Nhâm Ngao. Khi đó ông đang bì bõm dưới sông chỉ hở mỗi từ cổ trở lên nên tôi cũng không rõ dáng mạo ông thế nào. Lần này gặp quả không ngờ, cứ tưởng thợ lặn phải tướng mạo phương phi, ăn sóng nói gió, không ngờ ông lại quá nhỏ con và khá kiệm lời.
Sao nói nghề thợ lặn, ngoài biết lặn đã đành còn phải có sức khỏe tốt để ngâm dưới nước hàng giờ, bất kể nắng mưa, giá rét. Ông bé con như vậy cũng làm nghề được sao?- tôi mở đầu câu chuyện. Ông Trường cười, bảo nghề nó có chọn mình đâu, mà là tôi chọn nó. Biết làm sao chứ. Nghe chồng nói, vợ ông từ trong bếp đi ra mau mắn: Cơ khổ, ai lại muốn chọn cái nghề nguy hiểm đó. Nhưng mà khi hai cháu nhà tôi đi học đại học, túng quá cũng không còn đường chọn. Mà không phải ai cũng có may mắn như ông nhà tôi đâu.
Thôn Trại, xã Cao Xá vốn nghèo có tiếng. Ruộng ít, đất xấu lại lắm thùng vũng. Mùa nước nhiều chòm dân cư trở thành ốc đảo. Xưa nay nói đến địa danh này ai cũng ngại. Nhiều hộ nghèo và nhà ông Trường không phải ngoại lệ. Nói như trưởng thôn Trại Nguyễn Văn Quý, hơn chục năm trước, nhà ông Trường nghèo lắm. Nhà nghèo, lại lo cho con ăn học nên chăn nuôi lắm gà vịt, thôi thì trong nhà ngoài sân chỗ nào cũng lấm lem cả. Năm 2008, con đầu của ông là Giáp Văn Sơn đi học Đại học Bách khoa, thằng thứ hai Giáp Văn Nam học THPT, hai vợ chồng ông Trường mở thêm nghề làm đậu phụ, trừ chi phí mỗi ngày cũng được bảy tám chục nghìn, cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng sau anh nó ba năm, cháu Nam cũng đỗ Đại học Bách khoa. Nhà nông nuôi hai con đi học đại học, nghề làm đậu không thể kham nổi.
Khi đó tôi cũng đang rất hoang mang, nhà chỉ có ba sào ruộng, không biết làm gì có tiền để các con ăn học-ông Trường kể. Lúc đó trên thôn Hạ cùng xã có ông Hưng khi đó rất thông hiểu hoàn cảnh nên mới nói: Anh phải làm nghề thợ lặn, mò trai hến mới có tiền chi phí cho các cháu. Ông Hưng đang làm nghề này, thường thì người ta không mấy khi chia sẻ, nhưng ông Hưng có khác.
Nghe ông Hưng nói theo nghề lặn, ban đầu tôi cũng hoảng lắm- ông Trường tiếp lời. Rồi lại nghe người làng nói chỗ này chỗ kia có người đi lặn, lúc nhoi lên mặt nước ứ máu mồm ra rồi chết. Càng sợ. Nhưng rồi có hoảng, có sợ cũng không có cách nào khác. May là ông Hưng cũng tận tình. Ông ấy giúp tôi mua áo lặn, máy lặn, khâu giúp túi đựng. Sau đó đưa tôi ra sông chỉ vẽ cách lặn, lại dìu dắt tôi cả một tuần. Nhờ có ông Hưng mà tôi biết nghề.
Làng Trại, trước ông Trường chưa từng có ai đi lặn mò trai. Nhưng ai cũng biết ngày trước người đi mò trai chỉ cần một ống luồng cỡ lớn làm phao và một cây sào dài gắn với ống luồng cắm xuống lòng sông, để khi lặn xuống mò trai, lúc hết hơi còn biết vịn vào cây sào mà nhoi lên. Trang bị như vậy, người lặn giỏi lắm cũng chỉ chịu được không quá hai phút. Bộ đồ lặn giờ khác. Ông Trường lễ mễ vào nhà bưng ra bộ đồ nghề, một hộp xốp cỡ bự, trong đó có mặt nạ để lặn, rồi ống dẫn khí, máy xả khí, lọc khí, ắc quy và bộ quần áo đặc chủng. Tổng chi phí hơn 4 triệu bạc. Tất cả chỉ có vậy nhưng nó đã nuôi sống cả nhà ông Trường.
Ông Giáp Văn Trường (trái) chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến đi lặn.
Sau hơn một tháng, ông Giáp Văn Trường đã quen với nghề lặn mò trai và ông cứ đi suốt, chỗ nào có ngòi, có sông là đến. Sang Cầu Sim, Bích Động (Việt Yên) rồi lần mò từ cầu Đồng (xã Ngọc Lý) xuống tận Quế Nham. Đoạn sông Nhâm Ngao này ông quen từng chỗ một. Thường thì sáng ăn cơm xong là ông lên đường, đến nơi sau khi đã mặc áo quần, mang đồ lặn, khoác thêm cái túi lưới vào cổ rồi lặn xuống đáy sông. Nếu không có sự cố gì, hoặc trai, trùng trục ít thì ở dưới đó luôn hai tiếng đồng hồ. Cả ngày cứ miệt mài dưới đáy sông, trưa cũng không ăn uống gì cho đến tận chiều tối. Tháng 30 ngày có đủ và cả năm 12 tháng hầu như không thiếu buổi nào.
Qua nghe ông Trường giãi bày, bất giác tôi hỏi, vậy là ông lặn cả vào mùa lũ? - Đúng đấy. Mùa nước lớn tôi cũng vẫn đi, chỉ khác là khi lặn phải đeo trên người hơn chục viên gạch nó mới chìm.
- Vậy dưới đó ông có nhìn thấy gì không? Ông Trường lại cười hiền lành. Dưới đó thì thấy được gì chứ. Tối thui ấy mà. Chỉ là tay mình sờ dưới đáy sông, có trai, trùng trục hay cá đều bắt tất cho vào túi. Mà nhiều gai góc, mảnh chai, mảnh sành lắm, đứt tay đứt chân là chuyện thường xuyên. Rồi còn rác rưởi, khay mạ, túi ni- lông… đủ mọi thứ. Những sự cố khi đang làm việc không phải là sự lạ. Lắm khi đang lặn, mũ bị lệch, nước tràn vào mồm lại phải nhoi lên. Hoặc khi đang ở độ sâu năm bảy mét, gặp dòng nước xoáy phải bỏ đồ lại mà lên vội. Nghề lặn, sợ nhất là lúc nhoi lên bờ, khi đó chếnh choáng, mất thăng bằng phải gần 30 phút sau mới hồi. Khó khăn, vất vả và có cả sự hiểm nguy nhưng biết làm sao. Bình quân mỗi ngày đi lặn, cũng mò được vài chục cân trai, trùng trục. Giá bán tại chợ, hoặc các hàng cháo trai từ bảy đến chín nghìn đồng một cân. Mỗi ngày trừ mọi khoản cũng thu về trên hai trăm nghìn. Đây cũng là nguồn thu chính để vợ chồng tôi nuôi hai con học đại học.
Giờ thì ông Giáp Văn Trường đã đỡ vất vả hơn khi cậu con cả Giáp Văn Sơn sau khi học xong đại học xin vào làm tại Nhà máy Sam Sung Bắc Ninh. Còn con thứ hai Giáp Văn Nam làm việc tại Công ty Hồng Hải, sau đó được chọn đi học thêm tại Đài Loan. Kinh tế gia đình giờ cũng đã ổn định, ngôi nhà cũ nát vừa được sửa sang năm ngoái dù chưa to đẹp nhưng cũng khá đàng hoàng. Dẫu vậy, ông Trường vẫn đi mò trai, nhưng không quyết liệt như trước. Ông bảo, trai hến dưới sông vẫn nhiều, nó như lông đất ấy mà, hết lại mọc ra thôi. Nhưng mình cũng thấy yếu rồi. Thi thoảng đi làm cho đỡ nhớ nghề.
Cũng như người đã truyền nghề cho mình, giờ đây ông Trường lại hướng dẫn hai người ở làng Trại làm nghề. Cái nghề mưu sinh ở đáy sông dù gì cũng đã giúp ông đi qua thời đoạn khó khăn nhất. Ông muốn trợ giúp những người đang gặp khó khăn như mình ít nhất cũng có lấy một nghề hữu ích, lương thiện để mưu sinh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã