Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Sáng 20/1, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã dự và chỉ đạo Hội nghị.
*Xây dựng 274 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, năm 2017, cả nước có 2.226 hợp tác xã thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 51%; giải thể 785 hợp tác xã do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động.
Đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 hợp tác xã đang hoạt động (tăng 10% so với năm 2016); 54 liên hiệp hợp tác xã (tăng 7,4% so với năm 2016), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại; 97.589 tổ hợp tác với khoảng 1,57 triệu thành viên.
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng được 274 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng so với năm 2016; mang lại lợi ích cho thành viên.
Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhiều địa phương tập trung xử lý giải thể hợp tác xã kiểu cũ đã ngừng hoạt động, giải tỏa tâm lý mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tạo điều kiện cho thành lập mới các hợp tác xã chuyên ngành, xuất hiện một số mô hình tập đoàn hợp tác xã để huy động các nguồn lực phát triển từ thị trường, mô hình hợp tác xã tổ chức theo địa bàn huyện ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng số lượng hợp tác xã thành lập tăng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cả nước còn nhiều xã chưa có hợp tác xã; số hợp tác xã yếu kém giảm chậm; lợi ích mang lại cho thành viên còn ít.
Những khó khăn nội tại của hợp tác xã kéo dài, chậm được khắc phục; năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, còn nhiều hợp tác xã lúng túng trong hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh; năng lực quản lý còn nhiều bất cập.
Năm 2018, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đặt mục tiêu thành lập mới từ 4.500 - 5.000 tổ hợp tác, từ 2.300 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã trở lên, xây dựng 120 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.
Số lượng thành viên của hợp tác xã tăng từ 10% trở lên so với năm 2017. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 50%.
*Phát triển thực chất, hiệu quả hình thức kinh tế hợp tác xã
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng năm 2017, số hợp tác xã thành lập mới tăng 46,5% so với năm 2016 là kết quả “không thể ngờ tới từ đầu năm”.
Hiện nay, cả nước có 19.000 hợp tác xã, trong đó có khoảng 40% tổng số hợp tác xã làm ăn hiệu quả, gấp gần 4 lần số hợp tác xã hoạt động hiệu quả vào thời điểm cuối năm 2012 khi Luật hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực.
Đặc biệt, số lượng hợp tác xã thành lập mới và có hiệu quả tăng đồng đều ở tất các lĩnh vực, các địa bàn, nhiều Quỹ tín dụng nhân dân ra đời và hoạt động tích cực.
“Số lượng hợp tác xã và hiệu quả hoạt động gia tăng vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân góp phần vào thành công của Chính phủ trong năm 2017.
Đây là nỗ lực của cả nước trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của địa phương, các bộ, ngành và rõ ràng có sự đóng góp rất quan trọng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thành quả phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn ít ỏi so với tiềm năng và lợi thế của đất nước có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán vào cuối năm 2016, khu vực kinh tế tập thể chỉ đóng góp vào GDP chỉ khoảng 4 - 4,5%, rất hạn chế và khiêm tốn.
Nhắc lại Kết luận số 56 của Bộ Chính trị “kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài”, Phó Thủ tướng lưu ý Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần nhận thức được thực trạng và vai trò kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, để phát triển thực chất, hiệu quả hình thức kinh tế này.
Theo đó, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã không chỉ giúp hiệu quả hoạt động hợp tác xã tăng lên, đóng góp vào GDP mà quan trọng hơn là giải quyết việc làm, nâng cao phúc lợi cho người nông dân, các thành viên hợp tác xã, ổn định chính trị và đóng góp quan trọng vào cơ cấu lại nền nông nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quán triệt sâu sắc, mục đích, chức năng, tôn chỉ trong Điều lệ hoạt động, tránh việc “làm nhầm vai”.
“Lập ra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là để đại diện, hỗ trợ các thành viên chứ không phải chỉ đi làm kinh tế”, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nêu rõ.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tập trung làm rõ chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
“Phải cụ thể hóa quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên là gì vì người ta có tham gia hợp tác xã hay không đều xuất phát từ lợi ích hết, không có lợi ích người ta không tham gia hợp tác xã, sẽ không bảo đảm số lượng và chất lượng hợp tác xã”, Phó Thủ tướng nói.
Nhắc đến nhiệm vụ kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương, khi mà cả nước còn 16 tỉnh chưa có quỹ và nhiều tỉnh có quy mô quỹ nhỏ, Phó Thủ tướng chỉ đạo năm 2018, tất cả các tỉnh phải thành lập quỹ hỗ trợ hợp tác xã.
Phó Thủ tướng cho biết đang giao Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ thông qua Nghị định về quỹ hỗ trợ hợp tác xã ở Trung ương (có vốn dư 1.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài chính đã cấp 300 tỷ đồng) và địa phương trong năm nay.
Phó Thủ tướng giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tăng cường hối hợp với các bộ, ngành bằng các cơ chế và quy chế, chú trọng phát triển các thành viên liên kết theo quy định của Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để làm gia tăng sức mạnh của hợp tác xã; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; thực hiện tốt công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cho bản thân Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, liên minh hợp tác xã các cấp và cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã...
“Tập trung chỉ đạo, có cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực để năm 2018 tạo chuyển biến căn bản về số lượng và chất lượng của kinh tế tập thể”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 5 đơn vị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, 10 liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á cùng 2 doanh nghiệp và Liên đoàn hợp tác xã Raiffeisen (Cộng hòa Liên bang Đức) đã ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh, thành phố./.
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã