Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương đã phê duyệt các đề án, quy hoạch làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân từ năm 2013 đến năm 2018 đạt khoảng 2,4%/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp cũng còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn; đó là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự rõ nét, 4 khâu đột phá còn hạn chế: Về tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra ở một số địa phương do tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, chất kích thích sinh trưởng; chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản... Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp; chưa có thương hiệu để đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong tỉnh, trong nước; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa chưa nhiều. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, điều này là nguyên nhân chính cản trở quá trình CNH, HĐH nông nghiệp. Thu nhập và đời sống của nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện.
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,9%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 1,7%; lâm nghiệp tăng 8%; thủy sản tăng 2,9%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020: Nông nghiệp chiếm 73%, lâm nghiệp 8%, thủy sản 19%.
Để đạt mục tiêu đề ra, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; tập trung phát triển 7 sản phẩm có lợi thế, đó là: Lúa thâm canh năng suất và chất lượng cao, ngô thâm canh, rau an toàn, mía thâm canh, cây ăn quả, hoa và cây cảnh, cây làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái và bảo vệ môi trường. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; tăng cường quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư đầu vào (đàn giống, thức ăn, phụ gia bổ sung...). Tập trung phát triển 5 sản phẩm có lợi thế: Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu, con nuôi đặc sản. Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mô hình nông, lâm kết hợp. Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tập trung phát triển 4 sản phẩm lợi thế: Rừng gỗ lớn, luồng thâm canh, quế, cây dược liệu. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường, củng cố, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình tổ đoàn kết gắn khai thác, bảo quản sản phẩm với chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề ở địa phương; đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu cá nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung phát triển 4 sản phẩm có lợi thế: Tôm he chân trắng, ngao Bến Tre, cá rô phi, các sản phẩm hải sản khai thác. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở thủy lợi nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình và dịch vụ thủy lợi sang cơ chế thị trường, gắn lợi ích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng nước. Khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đã triển khai thực hiện thành công tại các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định... Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường; thúc đẩy các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện. Liên kết hợp tác trồng rừng tập trung quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến. Phát triển các vùng sản xuất thủy sản tập trung quy mô lớn theo hướng CNH, HĐH. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao nhanh và đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới, tiên tiến để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn có xác nhận, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; sản phẩm trong các vùng sản xuất tập trung bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân gắn với liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng), tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản xứ Thanh; xây dựng, phát triển theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, ưu tiên những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Tác giả bài viết: Xuân Hùng
Nguồn tin: baothanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã