Chất lượng quyết định thương hiệu
Đánh giá hiệu quả mang lại từ Chương trình 712, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) - Bộ KHCN Nguyễn Nam Hải cho biết, qua 8 năm từ khi Chương trình 712 ra đời đã xây dựng, tổng hợp nhiều giải pháp, biện pháp mang tính hệ thống với hàng loạt các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến để giúp DN làm tốt hơn quá trình sản xuất của mình, hướng tới giảm chi phí, tăng năng suất. Chương trình 712 hướng vào đối tượng trọng tâm là DN và mục tiêu chính là tác động cơ bản để thay đổi nền tảng, hạ tầng chất lượng quốc gia. Trong đó tập trung vào việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn cho DN, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đảm bảo an toàn sản phẩm hàng hóa, tổ chức đánh giá sự phù hợp...
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nên hàng loạt hệ thống giải pháp tổng hợp và giúp đỡ DN tiếp cận được các hệ thống đó (bao gồm cả những kinh nghiệm, giải pháp tiên tiến trong nước và thế giới). Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ KHCN, các kế hoạch, Chương trình giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đã xây dựng được 8 dự án, trong đó có 2 dự án nền do Bộ KHCN chủ trì, 5 dự án ngành thuộc các Bộ ngành khác chủ trì; 58/63 địa phương đã xây dựng dự án về nâng cao năng suất chất lượng cho DN...
Theo Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.
Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15 - 20%. “Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc - Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) - DN đạt giải Vàng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2016 lại cho rằng: Chất lượng ngày nay đã trở thành thách thức lớn đối với bất kỳ DN, quốc gia nào trên thế giới khi nền kinh tế mở cửa hội nhập và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắn khe về chất lượng hàng hóa. Nhờ có các hệ thống văn bản về TĐC; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đo lường... nên các DN Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung đã quan tâm hơn với chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều này tạo phong trào thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các DN, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài việc tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa cho DN, Chương trình còn giúp DN thực hiện kiểm soát hiệu lực và hiệu quả hơn đối với các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Cty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông khẳng định, năng suất chất lượng là yếu tố sống còn của DN trong cạnh tranh, đặc biệt là trong xu hướng toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là chìa khóa tạo nên thành công của DN. Ngay trong thập niên chất lượng lần thứ nhất, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía Tổng cục TĐC cũng như kinh nghiệm Rạng Đông áp dụng từ các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến như: 5S, Kaizen, Lean... Rạng Đông đã cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất cao, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.
Huy động tối đa mọi nguồn lực
Để Chương trình 712 ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, đặc biệt hỗ trợ tối đa cho DN, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng: Việc xây dựng, triển khai kế hoạch giúp DN nâng cao năng suất sản phẩm hàng hóa sẽ là công việc của tất cả các bộ, ngành mà không riêng của bộ ngành hay địa phương nào. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực để tạo thành “quả đấm thép” tổng hợp nhằm thu hút nhiều hơn nữa DN tham gia Chương trình, đem lại lợi ích thiết thực cho chính DN.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai Chương trình, DN cần có những giải pháp phù hợp như: Xác định các mô hình điểm để tạo sự lan tỏa, cảm hứng chung cho các DN khác. Khi đó, DN sẽ đặt trong mối quan hệ tương tác với các DN theo chuỗi liên kết, DN hạt nhân phải đi kèm DN vệ tinh. Từ DN điểm với các hệ thống, mô hình tiên tiến... sẽ chia sẻ kinh nghiệm với DN khác lấy đó làm gương, làm nền tảng để tạo dựng lợi ích tập thể bền vững; nghiên cứu các biện pháp mang tính chuyên sâu, hệ thống và phải gắn với việc tìm hiểu sâu về tình hình thực tế của DN để có những phương án cụ thể; xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu, tủ sách kiến thức về năng suất chất lượng để DN tiếp cận, tìm hiểu, lấy đó làm nền tảng kiến thức áp dụng; xây dựng một mạng lưới chuyên gia có thể giúp DN gỡ vướng; việc triển khai áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến cần chú ý đến tính liên kết, kết hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo đột phá...
“DN cần xác định khâu nào là khâu mấu chốt trong quá trình sản xuất cần thiết phải cải tiến để việc đầu tư không bị dàn trải, đem lại hiệu quả cao nhất. Nếu cần thiết, DN có thể thông qua hiệp hội, ngành hàng để hiểu về khó khăn cũng như mong muốn của DN từ đó tìm cách tháo gỡ”, ông Hải cho biết.
Là một trong những DN đã tạo lập được uy tín, thương hiệu trên thị trường về sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đại diện ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho rằng: Thành công của DN ngày hôm nay không có nghĩa là DN sẽ tiếp tục thành công vào ngày mai, cuộc chơi luôn thay đổi ở những ngày tiếp theo mà nếu không bắt kịp nó, DN sẽ bị loại bỏ, cho dù không làm gì sai.
“Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị thay thế, bị bật khỏi cuộc chơi, cho dù mình đã từng làm chủ nó. Thaibinh Seed đã có nhiều các giải thưởng của nhà nước, có thương hiệu lớn trong ngành giống cây trồng Việt Nam, nhưng Thaibinh Seed luôn luôn cố gắng, đổi mới trong quản lý, ứng dụng KHCN để phát triển công ty ngày càng mạnh hơn nữa” ông Báo nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, bản thân DN cần mở cửa rộng rãi, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại song song với các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến. Đồng thời, xây dựng một chuỗi liên kết với các DN vệ tinh, trao đổi thông tin, kiến thức về những mô hình quản trị bền vững, thúc đẩy gia tăng năng suất lao động; có nghiên cứu, tính toán kỹ ở phạm vi DN về yếu tố năng suất tổng hợp trên cơ sở đó, DN có cơ chế khuyến khích nhà khoa học quản trị, kỹ thuật để tiếp tục cải tiến sản phẩm hàng hóa.
Theo sáng kiến của Tổng cục TĐC thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN). Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8.1995 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng Phong trào Năng suất - Chất lượng trong thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1996 - 2005). Triển khai thực hiện mục tiêu của thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21.5.2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", (Chương trình 712) - đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới DN và phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả bài viết: NGŨ HIỆP
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã