Tỉnh Bình Phước được đánh giá là thủ phủ của cây điều tại Việt Nam với 180.000 ha (cả nước có 300.000 ha điều), năng suất trung bình 1,4 tấn/ha (cả nước trung bình là 1,35 tấn/ ha). Tuy nhiên, cũng như điều địa phương trồng điều khác, có đến 80% điều tại Bình Phước dược người dân trồng từ hạt từ vụ này qua vụ khác, không qua chọn lọc giống. Không những vậy, tỉ lệ cây già cỗi (trên 20 năm) tại Bình Phước đang chiếm khoảng 30% số diện tích điều tại địa phương này, và con số này sẽ ngày một gia tăng nếu không thực hiện tái canh cây điều.
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, do đặc tính thổ nhưỡng tại địa phương, điều Bình Phước cũng được đánh giá có chất lượng rất cao, nhưng cung không đủ cầu nên nhiều doanh nghiệp chế biến điều đã phải nhập khẩu điều từ các nước khác về để đủ nguyên liệu chế biến.
Cây điều được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước, địa phương này cũng có kế hoạch nâng diện tích điều lên 200.000 ha vào năm 2020. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương sẽ hỗ trợ 100% giống cho các diện tích điều già cỗi của đồng bào dân tộc. “Nhưng do thói quen canh tác lâu đời của đồng bào, việc đưa giống mới vào cũng rất khó”, ông Huỳnh Anh Minh chia sẻ.
Hạt điều ở địa phương thu hoạch được bao nhiêu đều bán được hết, tuy nhiên cũng phụ thuộc thời tiết, nếu mưa thuận gió hòa thì sản lượng khá, còn thời tiết không thuận thì có thể khiến nông dân lâm vào cảnh tay trắng. Ngay năm nay, đầu năm mùa mưa chấm dứt muộn, những cơn mưa trái mùa làm cho điều ra hoa không đậu quả được dẫn đến giảm năng suất. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, có 82.893 ha điều bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Tại các huyện Phú Riềng, Bù Đăng, Bình Long, năng suất giảm 25%; các huyện Chơn Thành, Bù Gia Mập, Phước Long, năng suất cũng giảm tới 20%...
Kỳ vọng vào “vết dầu loang”
Mới đây, Tập đoàn PAN (chuyên về nông nghiệp và sản xuất thực phẩm) đã có chiến lược đầu tư tái canh tại tỉnh Bình Phước. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.
Về kế hoạch thực hiện, ông Hải cho biết Tập đoàn PAN sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000 ha ở Bình Phước, “người nông dân sẽ được cấp giống và trồng trên đất của mình, sau đó PAN sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra”, ông Hải giải thích. PAN kỳ vọng đây sẽ là “vết dầu loang” để người nông dân toàn tỉnh sẽ đồng lòng trong kế hoạch tái canh cây điều.
Theo ông Lê Văn Liền, chuyên gia phân tích thị trường, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm không thể đáp ứng nguồn cầu (tăng 6%/năm) do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu. Giá điều thô tăng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro do mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn PAN, được đánh giá là doanh nghiệp lớn tham gia vào liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm điều, và tỉnh Bình Phước hoàn thiện Đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững. Có những phương án tái canh hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho người dân khi tái canh. “Chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp đầu tàu, xác định được nền kinh tế chia sẻ: Chỉ có người nông dân mới có thể trực tiếp làm ra nông sản, không có ai có thể thay thế được. Trước mắt phải giúp người nông dân trồng điều sống được bằng cây điều rồi mới có thể làm giàu từ ngành điều”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Tuy dư địa phát triển điều còn rất lớn nhưng nút thắt lớn nhất là khâu tổ chức sản xuất nguyên liệu. “Phải dồn toàn lực cho sản xuất nguyên liệu. Đây là khâu quan trọng nhất, bởi nếu không dồn nguồn lực vào khâu này thì những khâu sau cũng khó phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Năm 2016, ngành điều Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân chế biến. |
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã